Nền kinh tế Canada đã có thêm 73.000 việc làm vào tháng trước, ít hơn một chút so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhưng vẫn đủ để đưa tỷ lệ thất nghiệp chính thức xuống 5,3%, mức thấp nhất được ghi nhận từ năm 1976.
Báo cáo của Cơ quan Thống kê Canada cho biết cả khu vực sản xuất hàng hóa và khu vực dịch vụ đều chứng kiến lượng việc làm gia tăng, nhưng phần lớn mức tăng tập trung ở hai tỉnh đông dân nhất nước là Ontario và Quebec.
Trước đại dịch COVID-19, mức đáy của tỷ lệ thất nghiệp là 5,4% vào tháng 5/2019. Canada đã bước vào một thị trường lao động, nơi có nhiều cơ hội việc làm hơn những người sẵn sàng làm việc. Điều đó khiến các nhà tuyển dụng phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng lao động chưa từng thấy.
[Lạm phát tại Canada xác lập mức cao kỷ lục mới, giá cả tăng dữ dội]
Bà Jennifer Burstein, Phó Chủ tịch công ty xây dựng Collecdev có trụ sở tại Ontario, cho biết đối với một công ty đang phát triển, hiện là thời điểm khó khăn hơn bao giờ hết để tìm được đủ số lượng và trình độ nhân công phù hợp.
Sau khi tạm lắng xuống trong đại dịch, ngành xây dựng tại Canada đã có xu hướng phục hồi, với lượng việc làm gia tăng trong 4 tháng liên tiếp. Cơ quan Thống kê Canada dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia Bắc Mỹ này có thể sẽ tiếp tục giảm, vì tốc độ tăng trưởng việc làm đang vượt xa tốc độ tăng dân số trong hơn nửa năm nay.
Kể từ tháng 9/2021, Canada đã có thêm 463.000 việc làm mới, trong khi dân số trong độ tuổi lao động chỉ tăng 263.000. Đây là một tin tốt cho những ai đang tìm việc và cũng là một tin tốt cho những người đã có việc làm, vì nó cũng có khả năng mang lại mức lương cao hơn. Nhu cầu ngày càng tăng đối với người lao động đã đẩy mức lương trung bình tăng 3,4% trong 12 tháng tính đến tháng 3/2022.
Jay Zhao-Murray, chuyên gia phân tích của công ty ngoại hối Monex Canada nhận định, số liệu việc làm trong tháng 3/2022 cho thấy mức lương đang có xu hướng tăng lên rõ ràng.
Canada đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát vọt lên 5,7% vào tháng 2/2022, cao hơn gần ba lần so với mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương. Giá dầu và nông sản tăng cao trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đang gây thêm áp lực lên lạm phát.
Ông Kevin Page, Chủ tịch Viện Nghiên cứu tài khóa và dân chủ tại Đại học Ottawa, nhận định: "Thế giới đang đối mặt với cú sốc nguồn cung sau đại dịch. Tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm. Lạm phát sẽ cao hơn"./.