Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam cao gấp 3 lần mức chung

Trong 9 tháng năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của lao động vẫn duy trì ở mức trên 2% (2,36%) nhưng riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (6,74%) lại cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam cao gấp 3 lần mức chung ảnh 1Tra cứu thông tin tại một trung tâm giới thiệu việc làm. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Trong 9 tháng năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của lao động vẫn duy trì ở mức trên 2% nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung.

Đây là một trong những nội dung của báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm nay do Tổng cục Thống kê vừa công bố. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động chỉ là 2,36% (Quý 1 là 2,43%, quý 2 là 2,42%, quý 3 là 2,24%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,42% và tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn là 1,86%.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chung thấp nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi trong 9 tháng lại cao gấp gần 3 lần, lên tới 6,74%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có sự chênh lệch rõ ràng giữa khu vực thành thị (11,52%) và khu vực nông thôn (4,1%). Tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 tuổi trở lên trong 9 tháng thấp hơn hẳn, chỉ 1,25%.

Theo kết quả khảo sát của Tổng ​cục Thống kê, tỷ lệ thiếu việc làm 9 tháng năm nay là 1,93% (Quý 1 là 2,43%, quý 2 là 1,8%, quý 3là 1,52%), trong đó khu vực thành thị là 0,92%, khu vực nông thôn là 2,4%.

Mặt khác, báo cáo cho thấy chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/9 tăng 7,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng 0,2%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 4,9%, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao nhất, tăng 10,6%.

Tại thời điểm 1/9, trong khi số lao động trong ngành ngành chế biến, chế tạo và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng từ 4,4-8% so với cùng thời điểm năm trước thì số lao động trong ngành sản xuất, phân phối điện chỉ tăng 0,8%. Thậm chí số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1,8%.

Do số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tăng lên, một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất hoặc đi vào hoạt động chính thức nên chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp của các tỉnh, thành có quy mô công nghiệp lớn tại thời điểm 1/9 tiếp tục tăng so với cùng thời điểm năm 2014. Mức tăng cao nhất là Thái Nguyên tăng 71,9%, tiếp theo là Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 17,7%, Vĩnh Phúc tăng 17,1%, Quảng Nam tăng 12,9%, Hải Dương tăng 11,5%, Bình Dương tăng 6,6%, Đồng Nai tăng 5,5%, Đà Nẵng tăng 4,6%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,3%... Riêng Hà Nội, chỉ số sử dụng lao động giảm 0,6%./.

Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1/10, lực lượng lao động cả nước ước tính là 54,32 triệu người, tăng 11.700 người so với cùng thời điểm năm 2014, trong đó lao động nam chiếm 51,77%, lao động nữ chiếm 48,23%.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế 9 tháng năm nay ước tính 52,72 triệu người, giảm 177.300 người so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 44,3%, lao động công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5%, lao động dịch vụ chiếm 33,2%./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục