Theo các chuyên gia, hẹp niệu đạo là một bệnh lý niệu khoa thường gặp; nam giới mắc bệnh này nhiều hơn nữ giới. Thông thường, bệnh biểu hiện sau một viêm nhiễm hay sau một chấn thương hệ niệu tiết và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh hẹp niệu đạo cao do tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, do không điều trị đúng cách nên tỷ lệ tái phát bệnh hẹp niệu đạo ở Việt Nam vẫn còn cao.
Qua tìm hiểu của phóng viên tại Khoa Ngoại tiết niệu ở một số bệnh viện Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Xuyên Á... ở Thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều bệnh nhân nhập viện để điều trị hẹp niệu đạo do tai nạn giao thông.
Anh Lâm Thanh N. (28 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng đang được điều trị tại Bệnh viện Bình Dân) là một trong những trường hợp như vậy. Anh N bị hẹp niệu đạo dẫn tới bí tiểu cấp sau một tai nạn giao thông vào năm 2015. Anh đã được điều trị tại một cơ sở y tế tại tỉnh Sóc Trăng và có thể tiểu tiện bình thường. Nhưng sau đó một năm, bệnh lại tái phát và anh quyết định lên Thành phố Hồ Chí Minh để được điều trị tiếp.
Bác sỹ Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Bình Dân, Thành phố Hồ Chí Minh (một trong những bệnh viện đầu ngành về ngoại tiết niệu ở phía Nam) cho biết trung bình mỗi tuần bệnh viện tiến hành mổ ít nhất 4-5 trường hợp cho bệnh lý hẹp niệu đạo.
Nhiều bệnh nhân mà Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận đã có phẫu thuật trước đó ở các cơ sở y tế khác, điều này gây khó khăn cho bệnh viện. Bởi đối với bệnh lý này, nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách thì tỷ lệ thành công mới cao, từ 98-100%. Ngược lại, nếu bệnh nhân đã phẫu thuật trước đó và bị thất bại thì đến những lần mổ tiếp theo tỷ lệ thành công rất thấp.
Bên cạnh đó, để việc điều trị bệnh hẹp niệu đạo thành công cao, bệnh nhân cần hiểu rõ bệnh và đến cơ sở y tế để được điều trị sớm nhất. Nhiều bệnh nhân do bị tai nạn nhẹ gây ảnh hưởng đến niệu đạo nhưng lại không nhận biết được. Khi thấy bí tiểu người bệnh lại nghĩ là do nguyên nhân khác như liệt tuyến tiền liệt, do đó không đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Phương Tâm, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca bị hẹp niệu đạo lâu năm. Cụ thể, một bệnh nhân ở Quảng Nam bị tiểu khó từ 1973 do bị ngã nhưng người bệnh lại nghĩ rằng đó là do sinh lý nên không đi chữa trị. Mới đây khi đi khám, người bệnh mới biết mình bị hẹp niệu đạo.
Một trường hợp khác, bệnh nhân ở Tây Ninh bị bí tiểu cấp sau khi được cấp cứu thông đường tiểu, bệnh nhân thấy mình đã tiểu tiện bình thường nên đã bỏ về, không điều trị tiếp. Sau nhiều năm bệnh nhân này lại bị tái phát ở mức độ nặng hơn.
Thực tế cho thấy, nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ để lại hậu quả nặng nề liên quan đến chất lượng sống của bệnh nhân. Hơn nữa, do bị hẹp đường tiểu dưới nên bàng quang phải hoạt động nhiều dẫn đến nhão bàng quang và làm nước tiểu chảy ngược lên thận gây suy thận. Nhiều bệnh nhân đã phải rất vất vả để chữa trị thận do chủ quan trong điều trị hẹp niệu đạo.
Theo bác sỹ Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Bình Dân, khi gặp những triệu chứng như: tiểu khó, tiểu gấp, tiểu đau, dòng nước tiểu yếu, lượng nước tiểu giảm, nước tiểu sậm màu hoặc máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo, dương vật sưng... người bệnh cần nhanh chóng đến những cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị y tế để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất./.