Tỷ lệ sử dụng ma túy gia tăng tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ

Theo Báo cáo Tình hình ma túy toàn cầu năm 2014 của Liên hợp quốc, tỷ lệ tiêu thụ và hoạt động buôn lậu cocain có chiều hướng gia tăng tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Tỷ lệ sử dụng ma túy gia tăng tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ ảnh 1Tiêu hủy ma túy ở Yangon, Myanmar. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Báo cáo Tình hình ma túy toàn cầu năm 2014 của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), tỷ lệ sử dụng ma túy trên toàn cầu vẫn tiếp diễn không có nhiều xáo trộn với khoảng 243 triệu người - tương đương với 5% dân số thế giới ở độ tuổi từ 15-64 đã từng sử dụng các chất ma túy trái phép trong năm qua.

Trong khi đó, số người lệ thuộc ma túy chiếm khoảng 27 triệu người, chiếm xấp xỉ 0,6% dân số trưởng thành trên toàn cầu hay cứ mỗi 200 người thì có một người lệ thuộc ma túy.

Tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, tỷ lệ tiêu thụ và hoạt động buôn lậu cocain có chiều hướng gia tăng.

Với việc công bố báo cáo này tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm thành phố Vienne, Bangkok và Hà Nội ngày 26/6, UNODC kêu gọi chú trọng nhiều hơn vào sức khỏe và quyền con người của tất cả những người sử dụng ma túy, đặc biệt là nhóm tiêm chích ma túy.

Ông Yury Fedotov, Giám đốc điều hành của UNODC cho biết: “Việc cung cấp dịch vụ vẫn còn tồn tại những hố sâu ngăn cách. Trong những năm gần đây, trung bình cứ sáu người sử dụng ma túy thì chỉ có một người được tiếp cận tới hoặc được điều trị tình trạng lệ thuộc vào ma túy mỗi năm trên toàn thế giới.”

Ông Yury Fedotov cũng nhấn mạnh rằng năm 2012 đã có khoảng 200.000 trường hợp tử vong có liên quan đến ma túy.

UNODC cho biết để có thành công bền vững trong nỗ lực kiểm soát ma túy đòi hỏi phải có sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Cách tiếp cận cân bằng và toàn diện nhằm giải quyết cả vấn đề cung và cầu phải được bổ trợ bằng các biện pháp thực chứng với trọng tâm là ngăn ngừa, điều trị, phục hồi và hòa nhập cộng đồng.

Ông Fedotov cho rằng: “Vấn đề này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị Kỳ họp Đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu vào năm 2016.”

Ông cũng nhấn mạnh rằng, trong khi các dược chất đặt dưới sự kiểm soát cần được cung cấp rộng rãi hơn để phục vụ các mục đích y tế, bao gồm cả việc đảm bảo khả năng tiếp cận tới các loại thuốc giảm đau, vẫn phải đảm bảo ngăn chặn việc sử dụng sai hoặc chuyển đổi mục đích nhằm thực hiện các hoạt động phi pháp.

Sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động sản xuất thuốc phiện tại Afghanistan là một thách thức khi diện tích canh tác đã tăng 36% từ 154.000 hécta vào năm 2012 lên 209.000 hécta vào năm 2013.

Afghanistan sản xuất khoảng 5.500 tấn thuốc phiện, tương đương với 80% sản lượng thuốc phiện toàn cầu.

Tại Myanmar, diện tích trồng cây thuốc phiện bao phủ 57.800 hécta và tiếp tục gia tăng hoạt động canh tác kể từ khi bắt đầu từ năm 2006.

Trong năm 2013, sản lượng heroin toàn cầu tăng trở lại mức của những năm 2008 và 2011.

Người sử dụng ma túy tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương đã sử dụng heroin các loại thuốc y dược giảm đau thay thế cho nhau, chủ yếu do tác động của yếu tố giá rẻ và khả năng tiếp cận trong khi đó những người lệ thuộc thuốc phiện (opiod) tại Mỹ chuyển từ opiod dược phẩm sang heroin và người sử dụng ma túy tại một số quốc gia châu Âu đang dần thay thế heroin bằng opiod tổng hợp.

Lượng cocain sẵn có toàn cầu đã giảm trong bối cảnh hoạt động sản suất cocain suy giảm kể từ năm 2007.

Tỷ lệ sử dụng cocain tại Bắc Mỹ vẫn cao mặc dù trong những năm gần đây có giảm thiểu.

Tại Nam Mỹ, tỷ lệ tiêu thụ và hoạt động buôn lậu cocain có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này cũng tương tự ở châu Phi do hoạt động buôn lậu cocain lan vào lục địa này.

Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Á, do khả năng chi tiêu được cải thiện, cũng đang phải đối mặt với khả năng làn sóng sử dụng cocain xâm nhập vào nội địa.

Xét trên bình diện toàn cầu, việc sử dụng cần sa có vẻ đã giảm, nhưng do tồn tại những quan điểm cho rằng sử dụng cần sa sẽ có ít nguy cơ với sức khỏe hơn nên tại Bắc Mỹ, sức tiêu thụ lại gia tăng.

Mặc dù còn quá sớm để nhìn hết được những tác động mà những khung pháp lý mới mang lại trong việc hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa phục vụ mục đích giải trí tại một số bang của nước Mỹ và tại Uruguay với một số điều kiện nhất định, song tại nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cả Bắc Mỹ, ngày càng có nhiều người phải điều trị do các chứng rối loại liên quan đến cần sa.

Trong vòng 3 năm qua, lượng methamphetamine bị thu giữ đã tăng hơn hai lần trên phạm vi toàn cầu. Hoạt động sản xuất methamphetamine lại được mở rộng tại Bắc Mỹ, với số lượng lớn các phòng thí nghiệm meth bị giải thể tại Mỹ và Mexico.

Trong số 144 tấn chất kích thích dạng amphetamine (ATS) bị thu giữ trên toàn cầu, một nửa được thu giữ tại Bắc Mỹ và một phần tư tại Đông Á và Đông Bắc Á.

Từ năm 2009 đến năm 2013, số lượng các chất kích thích không được quản lý trên thị trường toàn cầu đã tăng hơn hai lần.

Tại Đông Á và Đông Nam Á, việc sử dụng methamphetamine tiếp tục gia tăng tại hầu hết các quốc gia.

Năm 2013, việc sản xuất với số lượng lớn methamphetamine đã dẫn tới gần 230 triệu viên methamphetamine và 11,6 tấn methamphetamine dạng đá bị thu giữ.

Heroin vẫn là loại ma túy đáng phải quan tâm tại một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.

Sau giai đoạn tăng đột biến từ năm 2008 đến 2011, lượng heroin bị bắt giữ năm 2012 và 2013 tương đương nhau, điều này cho thấy xu hướng sử dụng heroin vẫn ổn định ở mức cao với trên 9 tấn bị thu giữ mỗi năm.

Việc thu giữ này trùng hợp với hiện tượng canh tác cây thuốc phiện gia tăng trở lại tại khu vực Tam giác vàng - khu vực có tỷ lệ tăng theo từng năm kể từ năm 2006 và hiện diện tích canh tác đang ở con số 60.000 hécta.

Trưởng Đại diện khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC, ông Jeremy Douglas, cho rằng: "Thị trường ma túy tại Đông Á và Đông Nam Á rất năng động và có dấu hiệu cho thấy đang mở rộng mạnh mẽ."

Ông Douglas tiếp tục cho rằng "các quốc gia trong khu vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong công tác thực thi pháp luật, công lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe và cần được cộng đồng quốc tế hỗ trợ."

Quá trình toàn cầu hóa hoạt động buôn bán hóa chất đã tạo điều kiện để việc chuyển đổi mục đích sử dụng hóa chất từ hợp pháp sang phi pháp được tiến hành một cách đơn giản hơn.

Tuy nhiên, việc kiểm soát tiền chất, loại hóa chất cần thiết để sản xuất ma túy, ở mức độ nào đó đã kiềm chế hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng này.

Theo ước tính, 15% lượng anhiđrit axetic đã được chuyển đổi, được sử dụng để sản xuất heroin và 15% lượng thuốc tím được sử dụng để sản xuất cocain đã bị chặn đứng.

Bên cạnh đó, lượng methamphetamine và tiền chất amphetamine bị đã tăng hơn hai lần so với số lượng ma túy bị thu giữ.

Tại Afghanistan, giá anhiđrit axetic năm 2011 lên đến 430 đôla/lít, tăng từ mức 8 đôla năm 2002, tuy nhiên trên thị trường hợp pháp, giá chất này chỉ ở mức 1,5 đôla/lít.

Đông Á và Đông Nam Á và Nam Á tiếp tục là nguồn cung cấp các tiền chất pseudoephedrine và ephedrine sử dụng phi pháp vào việc sản xuất methamphetatamine trong khu vực và tại các khu vực khác trên thế giới. Cùng với đó, số lượng các công ty trung gian tạo cơ hội cho hoạt động chuyển đổi đang gia tăng ở khu vực châu Á.

Các nước đứng đầu về lượng xuất khẩu tiền chất ma túy tại châu Á là Hàn Quốc, sau đó đến Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Douglas cho rằng “các quốc gia trong khu vực và các đối tác trên thế giới cần tăng cường mạnh mẽ hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát tiền chất ma túy.”

Trong bối cảnh nỗ lực truy quét tiền chất ma túy đạt được nhiều thành công, hiện nay, các đối tượng tội phạm đã và đang sử dụng các thủ đoạn mới, chẳng hạn như thiết lập các công ty ma và chuyển đổi mục đích sử dụng tiền chất ma túy ngay trong nước để tránh hoạt động kiểm soát quốc tế.

Một loại chất “tiền-tiền chất ma túy” mới chưa được quản lý đã mau chóng xuất hiện thay thế cho các tiền chất ma túy đã bị quản lý để sản xuất ma túy tổng hợp như methamphetamine.

UNODC đề nghị các quốc gia phải cảnh giác hơn: “Giám sát các luồng hóa chất toàn cầu có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hoạt động buôn lậu và sản xuất các loại ma túy tổng hợp đang gia tăng và nằm ngoài khả năng kiểm soát bằng các biện pháp giảm cung truyền thống." " Một hệ thống kiểm soát quốc tế chặt chẽ vẫn phải là chiến lược kiểm soát nguồn cung chủ chốt" - ông Douglas nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục