Hiện nay, trình độ các bác sỹ thực hiện kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và Thế giới, tuy nhiên chưa có tên trên bản đồ Thế giới về hiến tạng bởi tỷ lệ người hiến tạng sau chết não vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy trong buổi Lễ thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức diễn ra ngày 18/1.
"Chúng ta đang sửa Luật hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến xác theo hướng sửa đổi một số nội dung thuận lợi hơn cho vận động hiến tạng. Ngoài ra, hiện nay vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hiến tạng chưa có sự đồng bộ," Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận.
Ngành y tế Hải Phòng ghi dấu mốc mới trong lĩnh vực hiến ghép tạng
Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mãn, gan, tim, tuỷ, hỏng giác mạc... Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế Việt Nam.
Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết trên 70% số tạng ghép từ người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Những năm qua, các bác sỹ của bệnh viện không chỉ ghép, bệnh viện còn chia sẻ mô, tạng của người hiến cho bệnh viện khác. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân giai đoạn cuối được cứu chữa.
"Với việc thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đặt tại bệnh viện, chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc vận động, hiến mô tạng để trong năm 2024 số người hiến tạng sẽ nhiều hơn. Mục đích cuối cùng là càng nhiều bệnh nhân hơn nữa được cứu sống," Tiến sỹ Hùng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Luật hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến xác hiện còn một số bất cập. Chẳng hạn như trong quy định bắt buộc một người phải đăng ký hiến tạng thì khi không may chết não mới hiến tạng được nhằm đảm bảo tính pháp lý. Tuy nhiên, thực tế, trước đó họ đăng ký nhưng sau đó người nhà không đồng ý thì cũng không thể lấy tạng được. Vì vậy, quy định bắt buộc phải đăng ký hiến tạng không có nhiều giá trị, vô hình chung lại cản trở công tác hiến mô tạng.
Theo thống kê, trong một năm tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức có khoảng 300 người tử vong do chấn thương sọ não, đây là con số lớn, tuy nhiên, hiến tạng là vấn đề nhạy cảm, chỉ được phép làm khi mọi phương pháp không còn cứu được bệnh nhân thì mới phép vận động.
Để nâng cao hiệu quả của truyền thông vận động hiến ghép mô tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thay đổi cách làm, đầu tiên là thay đổi nhận thức của nhân viên y tế và người được trực tiếp giao nhiệm vụ vận động, sau đó mới đến người nhà. Bệnh viện đã điều chỉnh một số quy định, nhờ đó trong 1 tháng qua có 5 gia đình đã đồng ý hiến mô tạng của người thân, tuy nhiên chỉ 2 gia đình đủ điều kiện. Nhờ đó, các y bác sỹ đã tiến hành ca ghép đa tạng trong vòng chưa đầy 24h, cứu sống được 8 bệnh nhân.
Theo thống kê của Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, với dân số khoảng 100 triệu dân, tại Việt Nam, mỗi năm chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, thuộc hàng thấp nhất Thế giới./.