Tỷ lệ sai phạm của người nộp thuế sau thanh kiểm tra có thể là 97%

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, khi cơ quan chức năng đã lập kế hoạch thanh kiểm tra, tỷ lệ sai phạm có thể lên tới 95-97%.
Tỷ lệ sai phạm của người nộp thuế sau thanh kiểm tra có thể là 97% ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Trả lời cho câu hỏi, có tình trạng thanh tra kiểm tra để lọt thuế nhiều không, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, khi cơ quan chức năng đã lập kế hoạch thanh kiểm tra, tỷ lệ sai phạm có thể lên tới 95-97%.

Trong buổi họp báo ngày 16/11, câu hỏi được nêu lên với Tổng cục Thuế là tỷ lệ 94% được đối chiếu thất thu thuế tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh mà Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu lên tại nghị trường Quốc hội.

[Truy hoàn hơn 800 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng sau thanh tra]

Với con số trên, ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Thanh tra, Tổng cục Thuế không đưa ra bình luận. Tuy nhiên, riêng về cơ quan thuế, ông khẳng định, khi đã lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì sai phạm của người nộp thuế có thể lên tới 95-97% tùy từng năm.

Theo ông, trong năm 2016, cơ quan thuế đã kiến nghị thu hơn 17.000 tỷ đồng sau thanh tra, kiểm tra. Năm 2017, con số này là 19.000 tỷ đồng, ngoài ra còn giảm lỗ khoảng 37.000 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác trên 50.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề theo ông là có những hành vi sai phạm nhỏ, có khi chỉ vài trăm nghìn đồng, nếu tính cả vào thì “cũng khó.” Trong khi ấy, chính sách hiện tại theo ông chưa đồng bộ với hành vi ngoài thực tiễn.

Vấn đề cũng nhận được nhiều quan tâm là khiếu kiện sau thanh tra, kiểm tra. Ông Thành Xuân Lý, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Thuế cho rằng, khiếu nại khiếu kiện là vấn đề bình thường.

Theo ông, giai đoạn 2013-2017 đã có 250 vụ kiện hành chính về thuế, trong đó số vụ kiện phát sinh từ kiến nghị kết luận của Thanh tra Chính phủ là 1 vụ và từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước là 11 vụ.

Tuy nhiên, theo ông, có vụ việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, người nộp thuế đã khai thuế và nộp tiền cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán và kiến nghị người nộp thuế nộp bổ sung 60 tỷ đồng. Người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị trên và đã kiện, vụ việc này xảy ra từ năm 2013 và hiện vẫn chưa xử lý xong.

Ông khẳng định, Kiểm toán Nhà nước đã đóng góp nhiều giúp tăng thu ngân sách nhưng do cách hiểu, quan điểm xử lý có thể khác nhau dẫn đến sự phối hợp chưa đồng nhất.

Liên quan tới thông tin cơ quan kiểm toán đã xác định phải truy thu Unilever hơn 500 tỷ đồng, ông Vũ Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đã yêu cầu Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với công ty giải quyết vụ việc.

Theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Giai đoạn này Unilever phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi. Phía Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu Unilever nhưng đơn vị này chưa đồng ý với số tiền truy thu trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục