Tỷ lệ nợ Trung Quốc vẫn an toàn song kết cấu không hợp lý

Theo quan chức Trung Quốc, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp phi tài chính quá cao đã làm xấu đi điều kiện tồn tại của doanh nghiệp, vì vậy giảm tỷ lệ nợ là một biện pháp quan trọng kích thích doanh nghiệp.
Tỷ lệ nợ Trung Quốc vẫn an toàn song kết cấu không hợp lý ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: todayonline)

Tại một hội nghị về tài chính của Trung Quốc được tổ chức cuối tuần qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tài chính Nhân đại toàn quốc (Quốc hội) Ngô Hiểu Linh cho rằng tỷ lệ nợ của kinh tế Trung Quốc về tổng thể vẫn an toàn song kết cấu không hợp lý.

Theo quan chức này, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp phi tài chính ở Trung Quốc quá cao đã làm xấu đi điều kiện tồn tại của doanh nghiệp, vì vậy giảm tỷ lệ nợ là một trong những biện pháp quan trọng để kích thích sức sống của doanh nghiệp nước này.

Quan chức trên cho biết tỷ trọng huy động vốn vay trong nợ doanh nghiệp phi tài chính năm ngoái là gần 87%, với ngân hàng là chủ thể sắp xếp vốn. Khi ngân hàng chưa hoàn toàn độc lập tự chủ sắp xếp được nguồn tín dụng thì để giải quyết vấn đề này cần phải nâng cao tỷ trọng huy động vốn trực tiếp cho dù hiệu quả huy động vốn trực tiếp chưa chắc đã cao hơn vốn vay ngân hàng.

Chuyên gia Ngô Hiểu Linh cho rằng một điểm bất hợp lý trong kết cấu nợ là người dân với tư cách là người nắm giữ chủ yếu tài sản ròng và vốn ròng ở Trung Quốc tham gia vào các hoạt động kinh tế thông qua vốn tài chính song tỷ trọng hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế lại thấp.

Từ kết cấu nợ vốn của người dân có thể thấy dư địa điều chỉnh kết cấu nợ vốn cư dân còn rất lớn. Trước hết cần phải tăng cường xây dựng chế độ thị trường vốn để có thêm nhiều người dân có thể tham gia bình đẳng vào đầu tư cổ phiếu. Tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong toàn bộ vốn của người dân Trung Quốc chỉ chiếm hơn 3% trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 32% và ở Nhật là 6%.

Ngoài việc điều chỉnh nợ vốn cư dân, chính phủ cần phải điều chỉnh kết cấu vốn chính phủ, đảm bảo cung cấp dịch vụ công bằng, phát huy vai trò dẫn dắt của vốn chính phủ, thúc đẩy phát triển kinh tế ổn định.

Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc một mặt đối mặt với áp lực thu chi khổng lồ, mặt khác kết dư tài chính trong quốc khố lại nhiều. Ngoài việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn chính phủ cần phải tăng cường bảo hộ quyền sở hữu tài sản, thông qua hình thức kết hợp công tư cung cấp cơ sở dịch vụ công cộng, tăng cường chi cho giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tài chính.

Về vấn đề kết cấu nợ kinh tế, chuyên gia Ngô Hiểu Linh nhấn mạnh phải xóa bỏ nợ không hiệu quả, tái cơ cấu tài sản hữu hiệu, nâng cao hiệu quả vận hành kinh tế xã hội. Sự tồn tại của nợ xấu và tài sản xấu trong xã hội đã giảm việc cung cấp vốn, vì vậy, theo quy tắc thị trường chỉ có xóa bỏ các doanh nghiệp không hiệu quả mới có thể nâng cao hiệu quả vận thành thị trường.

Chuyên gia này kiến nghị, phải đơn giản hóa mục tiêu kinh doanh của ngân hàng, tăng quyền tự chủ tái cơ cấu nợ của ngân hàng, nâng cao hiệu quả tái cơ cấu tài sản xấu, vận dụng đầy đủ công cụ tài chính trong kinh tế thị trường để thúc đẩy tái cơ cấu sáp nhập doanh nghiệp, phân tán rủi ro thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục