Tỷ lệ nợ hộ gia đình tăng cao đe dọa kinh tế nhiều nước châu Á

Tỷ lệ nợ hộ gia đình so với thu nhập cá nhân tại một số nước châu Á như Singapore, Malaysia… đã tăng mạnh trong những năm gần đây, thậm chí vượt mức nợ gia đình của Mỹ.
Người dân Malaysia mua hàng tại một siêu thị ở thủ đô Kuala Lumpur trong ngày đầu áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Viện Nghiên cứu Kinh tế Oxford của Anh ngày 18/8 công bố dữ liệu cho thấy tỷ lệ nợ hộ gia đình so với thu nhập cá nhân tại một số nước châu Á như Singapore, Malaysia… đã tăng mạnh trong những năm gần đây, thậm chí vượt mức nợ gia đình của Mỹ trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính quốc tế.

Điều này tạo tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê từ năm 2007, mặc dù nợ hộ gia đình của Mỹ chiếm 137% nguồn thu có thể chi phối của gia đình, nhưng sau đó đã giảm dần.

Trong khi đó, mức nợ hộ gia đình của các nền kinh tế chủ chốt ở châu Á không những không giảm mà còn gia tăng lên mức cao kỷ lục.

Tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ này ở Singapore, Hàn Quốc và Malaysia đã chiếm hơn 160% nguồn thu có thể chi phối, tăng gấp đôi so với 10 năm trước.

Qua phân tích, các chuyên gia nhận định 2 nguyên nhân chính khiến nợ hộ gia đình tăng mạnh là khủng hoảng tài chính quốc tế và việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Sau khủng hoảng tài chính, các nền kinh tế phát triển ở phương Tây mất đà tăng trưởng, khiến các nền kinh tế châu Á giảm mạnh lượng xuất khẩu sang các thị trường này và quay lại thị trường trong nước, cũng như trong khu vực.

Mặc dù các nước châu Á đã công bố hàng loạt chính sách khuyến khích tiêu dùng, góp phần kích thích thị trường trong nước và khu vực, nhưng quyết sách này đã kéo theo tác dụng phụ đáng lo ngại.

Ngày càng nhiều gia đình tại châu Á chuyển sang mô hình tiêu dùng bằng cách vay nợ, lấy đầu tư vào bất động sản làm sự lựa chọn ưu tiên trong đầu tư gia đình trong bối cảnh giá nhà của khu vực tăng vọt.

Xu hướng chạy theo những sản phẩm mới của người tiêu dùng trẻ cũng đẩy nhanh xu hướng gia đình vay tiền tiêu dùng.

Chính vì vậy, tỷ lệ nợ gia đình đã tăng nhanh một cách nguy hiểm, chẳng hạn như tại Thái Lan, tỷ lệ này đã tăng 56% từ năm 2007-2014.

Mặc dù mức nợ gia đình của các nước châu Á vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng Viện Nghiên cứu Kinh tế Oxford cũng đưa ra khuyến cáo rằng chính phủ các nước cần phải tính tới rủi ro từ tỷ lệ nợ hộ gia đình chồng chất, để từ đó thực hiện nhiều biện pháp duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, góp phần bảo đảm bộ máy kinh tế trong khu vực được vận hành thông suốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục