Tỷ lệ nợ của các thị trường mới nổi tăng lên mức kỷ lục

Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại, tỷ lệ nợ/GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng trở lại mức cao kỷ lục 254%.
Tỷ lệ nợ của các thị trường mới nổi tăng lên mức kỷ lục ảnh 1Tỷ lệ nợ/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các thị trường mới nổi lại tăng lên mức cao kỷ lục. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/11, tờ Thương báo Hong Kong (Trung Quốc) dẫn báo cáo “Giám sát nợ toàn cầu” của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết mặc dù quy mô nợ toàn cầu giảm 6.400 tỷ USD xuống còn 290.000 tỷ USD trong quý 3/2022 do đồng USD mạnh lên và lãi suất cao khiến các nước “thắt chặt hầu bao,” song tỷ lệ nợ/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các thị trường mới nổi lại tăng lên mức cao kỷ lục.

Tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 7-9/2022 đã giảm quý thứ sáu liên tiếp xuống 343%, tuy nhiên IIF cho biết các thị trường mới nổi đã phá vỡ xu hướng này khi tỷ lệ nợ/GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng trở lại mức cao kỷ lục 254% ghi nhận được trong quý 1/2021, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

[Moody's cảnh báo rủi ro của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á]

Tỷ lệ nợ/GDP thế giới hiện thấp hơn 20 điểm phần trăm so với mức “đỉnh” trong quý 1/2021, do lạm phát tăng mạnh sau khi căng thẳng Nga-Ukraine đẩy giá hàng hóa tăng cao.

Trong quý 3/2022, mức giảm nợ rõ nét hơn tại các thị trường trưởng thành (Mature market, là thị trường đạt đến trạng thái cân bằng), dẫn đầu là Nhật Bản, Vương quốc Anh, Pháp và Canada.

Mỹ là nước duy nhất trong báo cáo của IIF ghi nhận tổng nợ gia tăng trong thời gian này.

IIF cho biết tại các thị trường mới nổi, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga có mức giảm lớn nhất.

IIF cho rằng chênh lệch lãi suất của những người vay lãi suất cao trong năm nay trung bình tăng khoảng 400 điểm cơ bản, tuy nhiên mức độ tăng chênh lệch lãi suất của những người vay đầu tư lại tương đối nhỏ.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu phát triển bền vững của IIF Emre Tiftik nhấn mạnh trong báo cáo rằng: “Đối diện với môi trường huy động vốn toàn cầu thắt chặt, rất nhiều người vay lãi suất cao đã gặp phải nhiều thách thức hơn khi tham gia thị trường quốc tế trong năm nay.”

Các nhà hoạch định chính sách và tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo, áp lực nợ mà các nền kinh tế đang phát triển dễ bị tổn thương phải đối mặt còn rất lâu mới kết thúc, khả năng xảy ra vỡ nợ nhiều hơn.

Theo IIF, chi phí trả nợ tăng lên có thể gây tổn hại đặc biệt cho các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu.

Hội nghị lần thứ 27 của các bên tham gia “Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu” (COP27) tại Ai Cập đã đạt được thỏa thuận vào cuối tuần trước, đồng ý thành lập Qũy Tổn thất và Thiệt hại để giúp đỡ những nước nghèo ứng phó với ảnh hưởng của thảm họa khí hậu, đồng thời nhấn mạnh cần phải cải cách các tổ chức tài chính quốc tế.

Nhóm ngân hàng toàn cầu nhấn mạnh trong báo cáo quý rằng, mặc dù sự phụ thuộc vào nợ bằng USD trong những năm qua đã giảm bớt, nhưng mức độ phụ thuộc này của Mỹ Latinh và châu Phi vẫn rất cao, điều này khiến cho rất nhiều nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự biến động trên thị trường ngoại hối.

Các doanh nghiệp quy mô nhỏ và hộ gia đình thu nhập thấp là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất từ việc chi phí cho vay gia tăng.

IIF nhấn mạnh: “Do các hộ gia đình thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc cao vào nguồn vốn ngắn hạn, nên sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi chi phí vay tăng lên. Các doanh nghiệp nhỏ ở 1/3 thị trường trưởng thành phải vật lộn để trả lãi vay.”

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị đồng USD đã tăng 12%, tuy nhiên, đồng tiền này đặc biệt tăng giá mạnh trong quý 3/2022 với mức tăng 20%. Tỷ giá hối đoái của các đồng tiền thị trường mới nổi có lúc giảm 10% so với đồng USD trong năm nay, và mức giảm hiện nay là 7%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục