Tỷ lệ người nghèo tại Nam Phi có thể giảm một nửa vào năm 2030

WB cho biết Nam Phi có thể giảm một nửa số người nghèo xuống còn 4 triệu vào năm 2030 nếu đẩy lùi thành công vấn nạn tham nhũng và áp dụng các chính sách phù hợp với lĩnh vực khai khoáng.
Một em bé đứng trước quầy xúc xích và thịt nướng tại Bloemfontein, Nam Phi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/4, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Nam Phi có thể giảm một nửa số người nghèo xuống còn 4 triệu vào năm 2030 nếu đẩy lùi thành công vấn nạn tham nhũng, miễn học phí cho sinh viên đại học và áp dụng các chính sách phù hợp và ổn định hơn đối với lĩnh vực khai khoáng – ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia nằm ở cực Nam châu Phi này.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong báo cáo cập nhật về tình hình phát triển kinh tế Nam Phi, WB nhấn mạnh việc cần đưa ra những giải pháp thực tế và hiệu quả nhằm khai thác các nguồn lực nội tại của nền kinh tế bao gồm việc giúp người nghèo có được công ăn việc làm tốt hơn và từ đó những đối tượng này có thể cùng tham gia vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện mỗi năm Nam Phi phân bổ khoảng 150 tỷ rand (12,5 tỷ USD) cho các quỹ phúc lợi xã hội để cung cấp các khoản trợ cấp tài chính cho khoảng 17 triệu người, trong đó bao gồm khoảng 10 triệu người nghèo với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày. Theo WB, vấn đề chủng tộc hiện vẫn đang là hố ngăn cách lớn nhất giữa người giàu và người nghèo tại Nam Phi.

Ngoài ra, sự chênh lệnh về thu nhập còn được quyết định bởi vị trí công việc, kỹ năng làm việc, cũng như giữa người đi làm và thất nghiệp.

WB cho biết trong ngắn hạn, ngoài các biện pháp như đẩy lùi nạn tham nhũng, miễn học phí cho sinh viên đại học và áp dụng các chính sách phù hợp và ổn định hơn đối với lĩnh vực khai khoáng, Nam Phi cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty thuộc sở hữu nhà nước, khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư ra nước ngoài và áp dụng chính sách nhập cư thông thoáng hơn cho các chuyên gia giỏi.

Trong dài hạn, Nam Phi cần giảm tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập bằng cách nâng cấp chất lượng giáo dục cho đối tượng sinh viên nghèo và tăng kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo thêm nhiều công ăn việc làm.

Tuy nhiên, WB cũng lưu ý rằng công cuộc cải cách kinh tế của Nam Phi sẽ cần nhiều thời gian và hiệu quả của cải cách sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị của chính phủ trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại đất nước 55 triệu dân này.

Trước đó, hôm 22/1 vừa qua, tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Goldman Sachs dự báo kinh tế Nam Phi sẽ tăng trưởng khả quan ở mức 3% trong năm 2018 nhờ việc áp dụng lãi suất thấp và sự hồi phục giá trị của đồng nội tệ rand, theo đó, kinh tế Nam Phi được kỳ vọng sẽ có bước chuyển mình trong năm 2018.

Theo Goldman Sachs, sự thay đổi chính sách kinh tế theo hướng tích cực hơn của tân Tổng thống Cyril Ramaphosa sẽ đưa Nam Phi vào tốp các nền kinh tế có triển vọng nhất năm 2018.

Kinh tế quốc gia này rơi vào suy thoái lần đầu kể từ năm 2009 do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng âm 0,7% trong quý I/2017 sau khi đã tăng trưởng âm 0,3% trong quý IV/2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục