Các nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3% trên tổng dân số. Tỷ lệ này đang gia tăng rất nhanh ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Mức độ gia tăng này vượt ra khỏi dự đoán của các tổ chức y tế.
Thông tin trên được Giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết-Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị khoa học về bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần XI năm 2022, diễn ra ngày 22/10.
[Củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tim mạch-thận-chuyển hóa]
Giáo sư Trần Hữu Dàng nhấn mạnh, thống kê cách đây khoảng 20 năm ở Hà Nội tỷ lệ mắc đái tháo đường là 1,4%, ở Thành phố Hồ Chí Minh là 2,5%. Theo kết quả điều tra năm 2012, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7%, trong đó khoảng 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán. Nghiên cứu mới đây nhất cho thấy tỷ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3%. Điều đó cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh.
Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế thì mô hình bệnh tật của Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Trong khi các bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang được kiểm soát dần thì thay vào đó là sự gia tăng mạnh của các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường...
Đái tháo đường là một bệnh nặng gây tổn thương nhiều cơ quan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh và là một gánh nặng vì việc điều trị và chăm sóc rất tốn kém, phức tạp. Đáng chú ý, có trên 50% số người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng ở Việt Nam không được phát hiện sớm mà chỉ được biết khi đã có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như biến chứng tim mạch, suy thận, mù lòa, biến chứng bàn chân...
Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu mọi người dân chú ý và quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn hằng ngày, thường xuyên tăng cường hoạt động thể lực.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đái tháo đường là bệnh mạn tính, diễn biến âm thầm. Điều trị dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng và cần thực hiện trong suốt quá trình điều trị đái tháo đường. Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống là biện pháp cơ bản trong điều trị đái tháo đường, bao gồm: giáo dục tự chăm sóc, điều trị dinh dưỡng y học, hoạt động thể lực, ngưng thuốc lá và điều trị tâm lý.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 1.100 đại biểu đến từ các bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trường đại học y dược trong cả nước.
Chương trình báo cáo tại hội trường với hơn 150 bài tổng quan và đề tài nghiên cứu khoa học. Báo cáo viên là các giáo sư, tiến sĩ-chuyên gia đầu ngành về bệnh lý nội tiết - chuyển hóa của các trung tâm y tế lớn của Việt Nam (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế…) cũng như các bác sĩ đang công tác tại các trường đại học y khoa, các bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa trong cả nước.
Đặc biệt, hội nghị còn có báo cáo viên nước ngoài đến từ Tây Ban Nha, Cu Ba... Ngoài ra, có 30 bài báo cáo khoa học trẻ và báo cáo khoa học bằng tiếng Anh được trình bày tại hội nghị.
Đái tháo đường hiện là một trong những bệnh nội tiết phổ biến nhất trên thế giới và được dự báo sẽ như một đại dịch của thế kỷ 21.
Theo công bố của Liên đoàn đái tháo đường Thế giới, ước tính trên thế giới có 463 triệu người trưởng thành trong độ tuổi 20-79 đang chung sống với bệnh đái tháo đường. Dự báo tới năm 2045 con số này sẽ là 629 triệu người, tương đương với cứ 10 người có 1 người bị đái tháo đường.
Trong năm 2019, ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), căn bệnh này nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trong năm 2020./.