Tỷ lệ nghèo đa chiều chung của Việt Nam có xu hướng giảm qua các năm, từ 9,9% năm 2016 xuống còn 4,5% năm 2020. Tỷ lệ nghèo đa chiều ở nông thôn vẫn cao hơn nhiều so với thành thị, nhưng khoảng cách đang giảm dần.
Đây là kết quả kết quả tính toán nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 từ kết quả sơ bộ Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố trong khuôn khổ hợp tác phát triển cách tính nghèo đa chiều giữa Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổng cục Thống kê.
Giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản có xu hướng giảm qua các năm ở đa số các chỉ số. Điều này cho thấy các hộ gia đình Việt Nam tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Riêng năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19 nên xu hướng giảm này không còn tiếp diễn ở một số chỉ số.
Chỉ số mức độ thiếu hụt nhiều nhất là bảo hiểm y tế, có mức giảm nhanh nhất, từ 40,6% năm 2016 giảm xuống còn 19% năm 2020.
Khám chữa bệnh và giáo dục trẻ em là các chỉ số có mức độ thiếu hụt rất ít. Các chỉ số có mức độ thiếu hụt không thay đổi đáng kể qua các năm là tài sản thông tin, tiếp cận thông tin, khám chữa bệnh, giáo dục trẻ em và giáo dục người lớn.
[Giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam: Không để ai bị bỏ lại phía sau]
Kết quả cũng cho thấy, không phải cứ thu nhập cao thì tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản tốt, như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và ở Đông Nam Bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng nhóm nghiên cứu, điều đặc biệt là từ năm 2020, kết quả tính toán nghèo đa chiều sẽ được công bố theo quý thay vì công bố theo năm trước đây.
Giáo sư, Tiến sỹ Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP đã hoan nghênh Tổng cục Thống kê đã kịp thời công bố số liệu thống kê về nghèo đa chiều, rất quan trọng cho việc hoạch định chính sách, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng do đại dịch COVID-19 như hiện nay.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin chi tiết và kịp thời, giúp tránh tình trạng chính sách không được điều chỉnh kịp thời với những tác động về kinh tế - xã hội của đại dịch.
“Đại dịch COVID-19 cho thấy sự cần thiết phải có các chỉ số nhanh chóng đo lường hiện trạng để có thể cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách giữa kỳ khảo sát mức sông dân cư hai năm một lần,” Giáo sư Pincus nói.
Giáo sư Pincus cho biết các nước khác đã có các phương pháp đổi mới, đưa ra các ước tính nhanh chóng và tương đối chính xác về sự thay đổi của các mô hình thu nhập và phúc lợi, ví dụ như chỉ số tài sản lâu bền, chỉ số sinh trắc học và bảng câu hỏi ngắn không yêu cầu thông tin chi tiết về tiêu dùng.
Các phương pháp này cung cấp thông tin về những thay đổi ngắn hạn đối với các hộ gia đình, cho phép ước tính "nghèo tạm thời," bổ sung thông tin giữa các cuộc khảo sát mức sống dân cư truyền thống với những thông tin chi tiết về tiêu dùng, mức sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của hộ gia đình.
Từ tháng 9/2020, UNDP hỗ trợ Tổng cục thống kê nâng cao năng lực trong việc đảm bảo thiết kế và thực hiện khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của Chính phủ về giám sát nghèo theo các đo lường và thông số kỹ thuật mới về nghèo đa chiều của quốc gia giai đoạn 2021-2025 và đẩy nhanh quá trình phân tích, công bố các số liệu thống kê nghèo đa chiều một cách kịp thời, dựa trên các phương pháp quốc tế để xây dựng, thực hiện, giám sát hiệu quả nghèo đa chiều cũng như các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội./.