Tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh đang ngày càng tăng cao

Theo thống kê của ngành y tế, tật khúc xạ chưa được chỉnh kính là một trong 5 nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa và giảm thị lực. Có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính.
Khám mắt miễn phí cho trẻ em. (Ảnh: TTXVN)

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, thời gian qua mặc dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh nước ta đang ngày càng tăng cao.

Điều này đòi hỏi các giải pháp kịp thời và khả thi để ngăn chặn tình trạng mù loà và tổn thương thị lực do tật khúc xạ gây ra nhằm góp phần đạt được Mục tiêu Thị giác vào năm 2020.

[Những biện pháp giúp bệnh nhân hen giảm 90% chi phí điều trị]

Theo thống kê của ngành y tế, tật khúc xạ chưa được chỉnh kính là một trong 5 nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa và giảm thị lực.

Tại Việt Nam, trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20-40% ở khu vực thành thị, từ 10-15% tại khu vực nông thôn. Như vậy, có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính.

Với sự tài trợ của ngân hàng Standard Chartered (SCB) và Quỹ Fred Hollows (FHF), Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Dự án Chăm sóc mắt học đường tại 3 tỉnh thí điểm là Hải Dương, Đà Nẵng và Tiền Giang giai đoạn 2016-2018.

Qua ba năm triển khai, dự án đã tổ chức khám sàng lọc thị lực và các bệnh về mắt cho khoảng 240.000 học sinh (đạt 100%) tại các trường dự án.

Có 29.405 học sinh được khám mắt chuyên sâu sau khi được khám sàng lọc phát hiện có vấn đề về mắt (đạt 70% số học sinh được phát hiện) và cấp kính miễn phí cho 14.405 học sinh mắc tật khúc xạ (đạt 100%).

Dự án đã tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông về chăm sóc mắt cho tất cả học sinh, cha mẹ học sinh các trường thuộc dự án qua nhiều hình thức; Ban hành Hướng dẫn Chăm sóc mắt học đường do Lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành.

Trong giai đoạn vừa qua, dự án đã tăng cường chính sách phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành y tế nhằm hỗ trợ cho hoạt động chăm sóc mắt học đường; nâng cao năng lực cho cán bộ nhà trường (nhân viên y tế, giáo viên và tổng phụ trách Đoàn/Đội) và cán bộ nhãn khoa (tuyến huyện và xã) nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt cho học sinh.

Dự án đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt cho học sinh; nâng cao nhận thức về chăm sóc mắt cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên.

Về công tác đào tạo, dự án đã đào tạo 18 giảng viên nguồn cấp tỉnh, huyện về chăm sóc mắt trẻ em và kỹ năng tư vấn cho 3 tỉnh Dự án; tập huấn 169 cán bộ y tế xã về kiến thức chăm sóc mắt ban đầu, các bệnh gây mù ở trẻ em và kỹ năng phục hồi chức năng tại các xã Dự án.

Có 376 nhân viên y tế trường học và 9.115 giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội về chăm sóc mắt học sinh cho các trường Dự án đã được tập huấn.

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Trung ương phối hợp với Quỹ Fred Hollows Foundation Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình Chăm có mắt học đường giữa các tỉnh triển khai dự án và một số tỉnh lân cận phía Bắc để cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm triển khai tốt hơn hoạt động chăm sóc mắt học sinh tại các địa phương. Đến nay, mô hình đã được chia sẻ đến 15 tỉnh, thành trên cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho các hoạt động cần duy trì và phát triển để triển khai nhân rộng tại tỉnh dự án và các địa phương khác về chăm sóc mắt học sinh thành công, tập trung một số hoạt động như nhân rộng địa bàn triển khai Dự án, đào tạo năng lực cho cán bộ y tế trường học, cung cấp công cụ sàng lọc thị lực, hỗ trợ cấp kính miễn phí tiến tới đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho kính thuốc.

Bên cạnh đó, thời gian tới công tác phòng chống tật khúc xạ học sinh phải gắn kết với hoạt động y tế trường học và hoạt động kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học; Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và giáo dục trong chăm sóc mắt học sinh, trong đó ngành y tế hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, ngành giáo dục tổ chức triển khai thực hiện.

Theo các chuyên gia y tế, tật khúc xạ có thể gây ra lác, nhược thị làm giảm thị lực và mất mỹ quan của bệnh nhân. Cận thị nặng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm dẫn đến mù lòa vĩnh viễn như thoái hóa dịch kính võng mạc, bong võng mạc … Tuy vậy, tật khúc xạ hiện nay vẫn chưa được xã hội quan tâm đúng mức, nhiều trẻ em nước ta chưa được phát hiện giảm thị lực kịp thời.

Hiện tại, trẻ mắc tật khúc xạ chủ yếu nhờ vào sự quan tâm của gia đình đưa đi khám chỉnh kính ở các bệnh viện và trung tâm lớn. Thực tế cho thấy, có nhiều trẻ em nghèo đặc biệt ở các vùng nông thôn và thành thị còn chưa được quan tâm cấp chỉnh kính, khiến các em đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong học tập và sinh hoạt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục