Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Việt Nam giảm so với năm 2013

Nguồn nhân lực của Việt Nam trẻ và dồi dào nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, năm 2013, lực lượng lao động qua đào tạo chiếm gần 18%, năm 2015 tỷ lệ này là 12,5%.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Trọng Lịch/Vietnam+)

Ngày 4/8, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp cùng một số một số bộ, ban, ngành ở Trung ương... tổ chức Hội thảo khoa học về "Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam."

Mục đích Hội thảo này là trao đổi, chia sẻ thông tin, đánh giá thực trạng về công tác đào tạo nhân lực cho khu công nghiệp, khu chế xuất, tìm ra nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến giữa năm 2014 lực lượng lao động ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên là gần 54 triệu người; trong đó số người trong độ tuổi về lao động là hơn 47,5 triệu người. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là hơn 47%; khu vực công nghiệp và xây dựng là gần 21%, khu vực dịch vụ là hơn 32%.

Nguồn nhân lực của Việt Nam trẻ và dồi dào nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Năm 2013, lực lượng lao động qua đào tạo chiếm gần 18%, năm 2015 tỷ lệ này là 12,5%.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lao động. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng hiện các cơ sở đào tạo nghề trong nước thành lập nhiều, tuyển giáo viên ồ ạt, chưa coi trọng đến trình độ đào tạo, hệ thống giáo trình giáo án không đáp ứng yêu cầu, có tư tưởng đào tạo theo kiểu "ăn xổi."

Chính do điều này, dù học sinh có tốt nghiệp các trường nghề cũng không được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá cao, thậm chí chưa chấp nhận bằng nghề, tay nghề đã được đào tạo.

Hầu hết lao động làm trong các doanh nghiệp dệt may, sản xuất linh kiện điện tử... là lao động phổ thông và thu nhập khá thấp.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, cho biết đến cuối năm 2014, cả nước có 1.481 cơ sở dạy nghề, ngoài ra có hơn 700 cơ sở giáo dục và đào tạo khác có tham gia dạy nghề.

Để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo của các nhành kinh tế nói chung thì cần phải đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nội dung chương trình đào tạo.Tăng cường đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp nghề; xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề với doanh nghiệp. Đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư, đồng thời là đối tác khachs hàng cho chính "sản phẩm" của mình.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay chưa bám sát yêu cầu đầu ra; việc kết nối giữa đào tạo với doanh nghiệp còn hạn chế.

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp sau Hội thảo, các cấp, ngành liên quan cần tổ chức tốt công tác thông tin về nhu cầu, yêu cầu lao động, dự báo quan hệ cung​-cầu, cơ cấu, khu vực, số lượng lao động; cơ cấu lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề một cách hợp lý, hiệu quả.

Các địa phương, doanh nghiệp cần tổ chức tốt việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp và người lao động; có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo nghề. Mặt khác, cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

Các cơ sở đào tạo nghề cần đổi mới nội dung, phương thức đào tạo và dành 2/3 thời gian cho học sinh tham gia thực hành nghề. Các cơ sở đào tạo nghề cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để khâu đào tạo có địa chỉ, sát nhu cầu.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục