Ngày 13/1, Ủy ban Bầu cử trung ương Ai Cập (SEC) thông báo chỉ có 15% trong tổng số hơn 680.000 kiều dân nước này đăng ký tham gia cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới được tổ chức từ ngày 8-12/1 vừa qua - một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với cuộc trưng cầu trước đó.
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn tuyên bố của SEC cho biết chỉ có khoảng 103.000 kiều dân Ai Cập đang sinh sống tại 161 quốc gia và vùng lãnh thổ đi bỏ phiếu đợt này, trong đó tập trung chủ yếu tại Saudi Arabia.
Con số này thấp hơn nhiều so với 244.000 người (chiếm khoảng 40% cử tri đăng ký) tham gia cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp do phe Hồi giáo chủ trì soạn thảo, được tổ chức trong hai đợt vào tháng 12/2012.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ai Cập Badr Abdel, tỷ lệ cử tri ở nước ngoài đi bỏ phiếu thấp xuất phát từ việc bãi bỏ quy định cho phép bỏ phiếu qua đường bưu điện, nhiều cử tri thiếu các giấy tờ cần thiết để tham gia bỏ phiếu cũng như sự tẩy chay của những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).
Tuy nhiên, số người tham gia bỏ phiếu trực tiếp tại các đại sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao của Ai Cập ở nước ngoài lại cao hơn so với cuộc trưng cầu ý dân lần trước (khoảng 92.000-93.000 người).
Trong cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp tháng 12/2012, 151.000 cử tri (chiếm 62%) đã lựa chọn hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Hãng thông tấn chính thức MENA dẫn nguồn tin từ các đại sứ quán của Ai Cập ở nước ngoài cho biết tỷ lệ cử tri sống ở nước ngoài bỏ phiếu ủng hộ dự thảo hiến pháp đạt mức rất cao.
Tỷ lệ bỏ phiếu "có" đạt 100% tại Palestine, 99,5% tại Los Angeles (Mỹ) và 99% tại Roma (Italy). Ngoài ra, tỷ lệ này cũng đạt trên mức 98% tại hàng loạt địa điểm khác như Saudi Arabia, Paris (Pháp), Áo, Milan (Italy), Sudan và Tunisia...
Dự kiến, SEC sẽ công bố kết quả kiểm phiếu chính thức cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp ở nước ngoài ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu trong nước được tổ chức vào ngày 14-15/1 này.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/1, Văn phòng Tổng công tố Ai cập đã chuyển hồ sơ của 1.211 thành viên MB sang tòa án hình sự để truy tố với tội danh tham gia tấn công và đốt phá hai đồn cảnh sát tại tỉnh Minya ở phía Nam Cairo vào ngày 14/8 vừa qua, khiến một cảnh sát thiệt mạng và 4 người bị thương. Ngoài ra, những người này cũng bị cáo buộc đã cướp vũ khí tại hai đồn cảnh sát này và giải thoát cho các tù nhân.
Các cuộc tấn công nói trên diễn ra ngay sau khi lực lượng cảnh sát Ai Cập cùng xe ủi tiến vào giải tán hai địa điểm biểu tình ngồi của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tại Cairo và tỉnh Giza kế bên.
Sự kiện này đã kéo theo các vụ bạo loạn trên khắp cả nước khiến hơn 850 người thiệt mạng chỉ riêng trong ngày 14/8. Tại tỉnh Minya, tổng cộng 41 người, trong đó có 6 cảnh sát, đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ bạo lực giữa những người ủng hộ ông Morsi và lực lượng an ninh. Ngoài ra, hàng loạt nhà thờ của người Cơ Đốc giáo tại địa phương này cũng bị người biểu tình tấn công và đốt phá.
Cũng trong ngày 13/1, báo điện tử Wiki Thawra dẫn một thống kê của các tổ chức xã hội dân sự độc lập cho biết ít nhất 21.317 người, trong số đó có 2.590 thủ lĩnh và thành viên của MB, đã bị bắt giữ trên toàn quốc kể từ cuộc chính biến hôm 3/7 lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi.
Các vụ bắt bớ này diễn ra hầu như hàng ngày trong bối cảnh những người ủng hộ ông Morsi vẫn tiếp tục các cuộc biểu tình phản đối chính quyền "đảo chính."
Theo báo Wiki Thawra, trong số 21.317 người nói trên, có tới 16.387 bị bắt giữ vì lý do chính trị, 1.431 người do vi phạm lệnh giới nghiêm, 89 người liên quan đến các hoạt động khủng bố và 80 liên quan đến vụ bạo lực giáo phái.
Ít nhất 740 người bị bắt giữ đã bị truy tố trước các tòa án quân sự. Làn sóng bắt bớ đã gia tăng mạnh sau khi chính phủ lâm thời Ai Cập tuyên bố MB là tổ chức khủng bố.
Theo Bộ luật hình sự Ai Cập, thành viên của tổ chức này sẽ phải đối mặt với mức án tù tối đa là năm năm. Trong khi đó, các thành viên của MB tham gia tuyển dụng và lôi kéo người khác gia nhập tổ chức này, hoặc ngăn cản các thành viên khác rời bỏ tổ chức có thể sẽ bị kết án tù chung thân./.