'Tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của 5 tháng hơn 7% là quá thấp'

Đến hết ngày 10/6, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành là 1.253 tỷ đồng, chỉ đạt 7,53% so với dự toán được giao.
Hội nghị với các bộ, ngành “Đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 5 tháng và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2021” ngày 11/6. (Ảnh: Vietnam+)
Hội nghị với các bộ, ngành “Đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 5 tháng và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2021” ngày 11/6. (Ảnh: Vietnam+)

Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4 của Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: “ Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động đồng thời tạo ra năng lực sản xuất." Tuy nhiên, sau 5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân tại các bộ, ngành là rất thấp.

129 công văn đề nghị rút vốn

Tại hội nghị với các bộ, ngành đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 5 tháng và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2021, ngày 11/6, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Trong số đó, nguồn vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài giải ngân tốt sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ về tài chính, ngân sách dự toán đã được Quốc hội giao. Do đó, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài trong năm tháng mới chỉ đạt hơn 7% là quá thấp và rất đáng quan ngại.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Cụ thể, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách Trung ương theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các bộ, ngành là 16.636 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/5, số liệu từ bộ cho thấy tỷ lệ nhập dự toán trên Tabmis (Hệ thống thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc) chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn nước ngoài được giao của các bộ, ngành đạt 72,55% (tương ứng 12.069 tỷ đồng).

Bộ Giao thông Vận tải đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Về triển khai, ông Long cho biết cập nhật đến hết ngày 10/6, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành là 1.253 tỷ đồng, mới chỉ đạt 7,53% so với dự toán được giao.

Trên thực tế, mới có 5/13 bộ, ngành giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021. Nguyên do là nhiều bộ, ngành vẫn còn đang giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn năm 2020. Cụ thể, từ đầu năm đến này 10/6, tổng số giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2020 của các bộ, ngành là 2.187 tỷ đồng và con số này lớn gần gấp đôi số giải ngân theo kế hoạch vốn của năm 2021.

Bên cạnh đó, ông Long cho biết tính đến hết 10/6, cơ quan này đã nhận được 129 công văn đề nghị rút vốn, theo đó bộ cũng đã xử lý 129 đơn rút vốn này (với thời gian xử lý đơn rút vốn bình quân là 1,5 ngày).

Chạm chạp ngay từ khâu “thủ tục”

Bên cạnh lý do các bộ, ngành tập trung giải ngân tiếp dự toán đã được giao của năm 2020 và ảnh hưởng khách quan từ bệnh dịch COVID-19, báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng nêu các vấn đề vướng mắc nội tại ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành trong 5 tháng qua.

Cụ thể, nhiều dự án vướng ngay từ khâu đầu, như chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí có dự án còn chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay nhưng đã được bố trí vốn. Đáng lưu ý, có dự án đã đề xuất dừng triển khai nhưng vẫn được bố trí dự toán và sau đó phải hủy dự toán. 

'Tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của 5 tháng hơn 7% là quá thấp' ảnh 1Cống thủy lợi Kênh Nhánh, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tuy nhiên, việc giải ngân chậm còn bắt nguồn từ các nguyên nhân cố hữu, như các dự án mặc dù đã được bố trí vốn hoặc hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng lại chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư (như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư), chưa hoàn tất thiết kế cơ sở (chủ yếu là các dự án giao thông).

Ngoài ra, một số dự án vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc chưa phê duyệt hợp đồng (phát sinh ở phần lớn các dự án) hay vướng mắc với tổng thầu, vướng với nhà tài trợ về phạm vi các gói thầu nên chưa thể triển khai.

Bên cạnh đó, có dự án có khối lượng đã hoàn thành song do khó khăn về xác nhận khối lượng hoàn thành với nhà thầu nên chưa thể có được các chứng từ để thực hiện các thủ tục để rút vốn. Hoặc, các dự án đã có khối lượng, nhưng hồ sơ nghiệm thu khối lượng còn chưa thống nhất, còn phải rà soát, chậm hoàn chứng từ về tài khoản đặc biệt.

Mặt khác, ông Long cũng chỉ ra “việc dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư, điều chỉnh chủ đầu tư, điều chỉnh tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/nội tệ, điều chỉnh kinh phí giữa các hạng mục đã được quy định tại hiệp định vay cũng ảnh hưởng đến giải ngân.”

Tăng cường năng lực cấp cơ quan chủ quản

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính đề xuất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện những giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ.

Cụ thể, các cơ quan chủ quản cần rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần đốc thúc kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân; chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.

'Tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của 5 tháng hơn 7% là quá thấp' ảnh 2Một đơn vị nhà thầu đang tiến hành thi công cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Long, các bộ, ngành cũng cần tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.

“Các cấp chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các dự án có thay đổi, cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay,” ông Long nói.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính cam kết tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Tài chính sẽ đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi. Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành sẽ tăng cường kiểm soát và rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt; hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định cũng như không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

“Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2021 đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ cũng mong muốn các bộ, ngành với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2021,” Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục