Tỷ giá USD tăng mạnh, NHNN khẳng định sẽ can thiệp khi cần thiết

Các chuyên gia cho rằng, việc tỷ giá tăng gần đây không đáng lo vì Ngân hàng Nhà nước có nhiều kinh nghiệm để xử lý ứng phó trong thời gian vừa qua.

Trong hai phiên lên tiếp, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục được điều chỉnh tăng, giá bán USD sáng ngày 8/5 tại các ngân hàng tiếp tục tăng 15 - 30 đồng so với chiều qua.

Hiện giá USD tại Vietcombank giao dịch quanh mức 23.300 đồng/USD mua vào và bán ra là 23.420 đồng/USD, tăng 25 đồng so với chốt phiên trước.

[Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh tới 60 đồng]

Tại VietinBank, tỷ giá USD cũng tăng 10 đồng, hiện ngân hàng này đang giao dịch quanh mức 23.295 - 23.415 đồng/USD.

Còn BIDV hiện đang giao dịch quanh mức 23.300 - 23.420 đồng (mua vào - bán ra) cũng tăng 20 đồng; Eximbank niêm yết giá USD mua vào là 23.310 đồng/USD, bán ra 23.410 đồng/USD, tăng 30 đồng mỗi USD so với hôm trước.

Nếu so với mức ngày đầu tăng giá (6/5) thì mỗi USD ở các ngân hàng thương mại đã tăng thêm khoảng từ 80-90 đồng/USD và tăng khoảng 150 đồng so với vùng giá 23.150-23.250 đã được duy trì khá ổn định từ đầu năm. Đồng USD lập "đỉnh" mới kể từ đầu năm đến nay.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng  giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, việc tỷ giá tăng mạnh trong mấy ngày qua có cả nguyên nhân từ bên trong và bên ngoài.

Theo ông Hải, về nguyên nhân nội tại, bản thân các ngân hàng trên thị trường đã kỳ vọng có lượng đầu tư gián tiếp rất lớn vào thị trường, tuy nhiên, giao dịch này chưa diễn ra. Trong khi đó, các ngân hàng đã bán USD trước cho Ngân hàng Nhà nước để giữ âm trạng thái, kỳ vọng khi giao dịch này diễn ra thì sẽ mua được USD với giá thấp.

Còn nguyên nhân bên ngoài, CEO HSBC cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã có tác động lớn vào tâm lý trên thị trường.

“Dòng tweet của ông Trump không làm ảnh hưởng đến cung-cầu ngoại tệ của Việt Nam nhưng làm ảnh hưởng tới tâm lý thị trường. Trong tuần vừa rồi, đồng nhân dân tệ cũng mất giá hơn 1%, rất nhiều đồng tiền khác cũng bị biến động. Tâm lý chung của thị trường là khi có những bất ổn, đa phần sẽ tìm nơi trú ẩn và đồng USD vẫn là một kênh được cho an tâm hơn,” ông Hải nhấn mạnh.

USD là đồng tiền trú ẩn an toàn trên thế giới nên khi có bất kỳ biến động nào thì các nhà đầu tư sẽ quay về  giữ đồng tiền này và chắc chắn khi đó đồng USD sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác trong khu vực.

"Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế riêng, thực tế trong những năm vừa qua, VND là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực, mặc dù đồng tiền của một số nước khác như Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ biến động rất mạnh nhưng VND vẫn duy trì được sự ổn định. Tôi tin là trong bối cảnh hiện nay tương đối thuận lợi thì đây là cơ hội để duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô," ông Hải khẳng định.

Giao dịch tại ngân hàng.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng cho rằng, diễn biến này cơ bản do thị trường bên ngoài, chủ yếu do số liệu kinh tế Mỹ trong quý 1 tăng mạnh khiến đồng USD đi lên, mặc dù rủi ro chiến tranh thương mại đang gia tăng, tạo áp lực cho tỷ giá trong nước. Trong bối cảnh độ mở kinh tế của Việt Nam ở mức cao thì mọi diễn biến của bên ngoài đều tác động tới trong nước.

Tuy nhiên, ông Lực đánh giá, việc tỷ giá tăng gần đây không đáng lo ở 3 khía cạnh. Thứ nhất Ngân hàng Nhà nước có nhiều kinh nghiệm để xử lý ứng phó trong thời gian vừa qua, thứ hai hiện nay đồng USD chỉ là 1 trong 8 rổ tiền tệ điều hành của Ngân hàng Nhà nước hàng ngày và thứ 3 là chính sách tỷ giá từ 2016 trở lại đây đã tương đối linh hoạt, bám sát thị trường, chính vì thế mà mà tỷ giá được duy trì ổn định trong 3 năm qua. 

Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019 được tổ chức ngày 8/5, đề cập tới thị trường ngoại tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, khi Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ, đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước cung tiền đồng lớn ra thị trường. Dự trữ ngoại hối rất ấn tượng về giá trị tuyệt đối tăng lên nhưng độ mở nền kinh tế lớn, sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu nên cần tiếp tục tích lũy dự trữ ngoại hối.

“Trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với USD, một số nước bị giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp ổn định tỷ giá, thì tỷ giá trong nước năm 2018 diễn biến khá ổn định. Tỷ giá thị trường tăng khoảng 2,2-2,3%, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu và hỗ trợ xuất khẩu. Thị trường ngoại tệ ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố, hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo bà Hồng, tỷ giá không chỉ chịu ảnh hưởng từ tình hình kinh tế vĩ mô mà còn chịu tác động từ yếu tố kỳ vọng thị trường. Khi có bất ổn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tung lượng tiền ra để mua ngoại tệ. Nếu áp dụng dự trữ bắt buộc sẽ ảnh hưởng thanh khoản, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước áp dụng phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, là công cụ giúp các tổ chức tín dụng linh hoạt, những ngân hàng có dư dả thanh khoản có thể mua. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa rút tiền về được lại vừa không ảnh hưởng lãi suất thị trường.

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Tỷ giá tăng trong mấy ngày qua không đáng lo: 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục