Tỷ giá USD tăng liên tiếp gây áp lực thế nào tới VND?

Các chuyên gia nhận định từ nay đến cuối năm VND có thể sẽ mất giá từ 4%-5%. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.
Tỷ giá USD tăng liên tiếp gây áp lực thế nào tới VND? ảnh 1Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Trong những ngày qua, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định so với các đồng tiền trong khu vực VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất, vì vậy tỷ giá ở Việt Nam chưa đến mức quá căng thẳng.

USD tăng mạnh

Tỷ giá trung tâm ngày 4/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.423 VND/USD, tăng 11 đồng so với mức niêm yết đầu tuần. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Áp dụng biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.720-24.126 đồng/USD.

Dù mở cửa phiên sáng nay tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm từ 10-15 đồng/USD so với chốt phiên trước nhưng vẫn tăng mạnh so với sáng qua từ 15-25 đồng/USD.

Cụ thể, hiện ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD từ 23.720-24.030 đồng/USD (mua vào/bán ra); ngân hàng BIDV giao dịch từ 23.750-24.030 đồng/USD; VietinBank đang giao dịch quanh mức 23.735-24.015 đồng/USD.

[Fed tăng lãi suất: Có ảnh hưởng đến nền kinh tế VN nhưng không lớn]

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.708-23.750 đồng/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.990-24.035 VND/USD. Trong đó, Sacombank có giá mua cao nhất còn giá bán thấp nhất nằm ở Eximbank.

Ngày 30/9, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã phải quyết định tăng mạnh giá bán ra USD từ mức 23.700 đồng lên 23.925 đồng, tăng 225 đồng.

Đây là lần thứ hai liên tiếp chỉ trong vòng một tháng nhà điều hành nâng mức giá bán ra này và cũng là bước mạnh ít thấy trong nhiều năm qua. Mức điều chỉnh liền trước là vào ngày 7/9, từ 23.400 đồng lên 23.700 đồng.

Quyết định trên đưa ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND liên tục tăng lên những tháng gần đây, đặc biệt từ cuối tháng 5/2022 đến nay, gắn với các bước tăng mạnh lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng như giá đồng USD leo thang trên thị trường thế giới.

Đây cũng là bước đi tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước sau quyết định tăng đồng loạt các lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 23/9 vừa qua. Quyết định tăng lãi suất này được giới chuyên gia hướng đến mục tiêu củng cố giá trị của đồng VND. Và ngay sau đó, giá bán USD của cơ quan này tiếp tục tăng mạnh lên.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc tỷ giá USD tăng là điều không tránh khỏi trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và nhiều nước đã phá giá đồng nội tệ từ 10%-13% so với USD.

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, tình trạng tín dụng eo hẹp nên lãi suất cho vay USD của các ngân hàng cũng tăng lên so với trước. Thêm vào đó, tâm lý doanh nghiệp có USD lại chưa vội bán ra trong giai đoạn này nên nguồn USD trên thị trường cũng không mấy dồi dào.

Tính từ khi Fed tăng lãi suất (23/9), tỷ giá trung tâm đã tăng 99 đồng và tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng từ 180-190 đồng.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 4,8%. Điều này giúp doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi tuy nhiên doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng.

Lãnh đạo Công ty Xuất nhập khẩu BENNY cho biết đơn vị này chuyên sản xuất các sản phẩm điện gia dụng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với mức tăng mạnh của đồng USD, công ty sẽ khó giữ được giá bán ra như hiện nay.

Ông Trần Trung Kiên, Tổng Giám đốc BENNY cho biết: "Giá đầu vào tăng sẽ khiến nhu cầu giảm sút. Hiện nhu cầu đã giảm so với năm 2021 khoảng 10%-15%."

Tỷ giá USD tăng liên tiếp gây áp lực thế nào tới VND? ảnh 2

Còn với doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá tăng tưởng như có lợi, nhưng thực tế khi USD tăng giá, người tiêu dùng các nước thắt chặt ‘hầu bao’ khiến đơn hàng sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp dệt may bắt đầu ghi nhận mức giảm từ 30%-40% đơn hàng trong thời gian tới.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết dù là xuất khẩu hay nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đều phải trả chi phí vận tải quốc tế. Trong khi hiện nay toàn bộ cước này tính bằng USD. Giá USD tăng thêm 1%, doanh nghiệp thuê tàu sẽ phải trả chi phí tăng lên đúng 1% đó, bất kể giá cước container là bao nhiêu.

Tỷ giá tiếp tục chịu áp lực

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định khi tỷ giá hối đoái tăng sẽ đẩy lạm phát tại Việt Nam đi lên vì giá hàng hóa nhập khẩu cũng lên theo. Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng gia tăng khi quy đổi theo VND đồng thời nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy gia tăng rủi ro vào Việt Nam dù đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Từ đó có thể khiến họ lo ngại và làm giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước  ta.

Theo dự báo của ông Nghĩa, có khả năng VND cả năm 2022 sẽ giảm khoảng 5%-5,2% và đây vẫn là mức thấp nếu so với đồng tiền của nhiều nước. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều giảm mạnh hơn VND. Vì vậy, tỷ giá ở Việt Nam chưa đến mức quá căng thẳng.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Công ty chứng khoán VnDirect nhận định so với các đồng tiền trong khu vực, Việt Nam Đồng vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất.

Dù vậy, nhóm chuyên gia của VnDirect phân tích tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, VnDirect vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).

Tựu chung lại, VnDirect dự báo VND có thể mất giá khoảng 3,5%-4% so với đồng USD trong năm 2022. Chuyên gia chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng kỳ vọng VND chỉ mất giá so với trong khoảng từ 4%-5%.

Tỷ giá USD tăng liên tiếp gây áp lực thế nào tới VND? ảnh 3Tỷ giá USD tại Vietcombank từ Fed tăng lãi suất (23/9) đến 4/10. (Đơn vị: Đồng)

Cũng có ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải “phá giá” đồng tiền để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty AFA Capital cho biết tỷ giá có ảnh hưởng đến lạm phát, nợ công và cán cân tổng thể xuất nhập khẩu. Với những biểu hiện trên thị trường, ông Tuấn cho rằng chưa đến lúc phải dùng từ “phá giá” mà cần kiểm soát hai thị trường nói trên thông qua trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng.

Cũng theo ông Tuấn, không nên để USD từ ngân hàng “tuồn” ra chợ đen và ngân hàng được mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước phải phục vụ nhu cầu thanh toán thật chứ không phải để đầu cơ. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đang kiểm soát rất tốt lạm phát bằng cách giảm thuế đối với xăng dầu.

"Nếu chúng ta không kiểm soát điều này tốt, với áp lực tỷ giá tăng, lạm phát của năm 2023 sẽ là một vấn đề lớn và ảnh hưởng đến túi tiền của mọi người," ông Tuấn nói.

Trong khi đó, chuyên gia SSI lại tỏ ra lo lắng khi khả năng tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF.

“So với cuối năm 2021, giá USD tại Vietcombank đã tăng 4,7%, giá USD liên ngân hàng tăng 4,5%. Về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao, không loại trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá,” chuyên gia SSI nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục