Tỷ giá tăng nóng: Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường

Phó Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá hết sức linh hoạt, lên xuống cùng xu thế chung nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngoại tệ.

Tỷ giá đang tăng mạnh. (Ảnh: Vietnam+)
Tỷ giá đang tăng mạnh. (Ảnh: Vietnam+)

Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tỷ giá đang rất sôi động và đơn vị này sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế linh hoạt, đảm bảo tỷ giá có thể lên - xuống phù hợp.

Tỷ giá ngân hàng đang tăng mạnh

Giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại chiều nay (3/4) vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, giá USD tại Vietcombank - ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống - hiện niêm yết ở mức 24.760-25.130 đồng, tăng khoảng 60 đồng so với phiên sáng nay và gần 170 đồng so với phiên trước.

Trong khi đó, VietinBank cũng tăng giá USD lên mua - bán ở mức 24.750-25.170 đồng, tăng 67 đồng so với phiên sáng nay và tăng 177 đồng so với phiên trước.

Ngân hàng BIDV cũng có mức tăng tương tự khoảng 150 đồng so với phiên trước, hiện đang giao dịch quanh mức 24.815-25.125 đồng.

Tại nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân lớn, giá USD cũng tiếp tục tăng mạnh, một số ngân hàng niêm yết giá bán đồng USD ở mức 25.221 đồng/USD, vượt giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và chạm mức giá trần được phép giao dịch phiên 3/4.

vnp_SON.jpg
Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Hiện MB đang niêm yết giá mua-bán USD tiền mặt ở mức 24.820-25.130 đồng, tăng khoảng 150 đồng tính từ đầu tuần. Ngân hàng Eximbank cũng thông báo tăng 150 đồng so với chiều qua, hiện ngân hàng này giao dịch từ 24.750-25.140 đồng.

Cùng với MB, Eximbank, hiện nhiều ngân hàng tư nhân lớn cũng đã đưa giá bán USD lên sát mức giá bán can thiệp của NHNN như SHB niêm yết chiều bán ra ở mức 25.120 đồng/USD (tăng 120 đồng), TPBank niêm yết chiều bán 25.190 đồng/USD, tăng 135 đồng...

Sáng nay Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD ở mức 24.020 đồng/USD, tăng 15 đồng so với phiên giao dịch liền trước. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã có 6 phiên liên tiếp giao dịch trên ngưỡng 24.000 đồng/USD.

Với biên độ dao động +/-5%, các ngân hàng thương mại hôm nay được phép giao dịch đồng bạc xanh với tỷ giá trần ở 25.221 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.819 đồng/USD.

Trên kênh Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá mua tham khảo đồng bạc xanh được nhà điều hành đưa ra ở mức 23.400 đồng/USD, trong khi tỷ giá bán tham khảo lên mức 25.171 đồng/USD, tăng 16 đồng ở cả hai chiều.

Sẵn sàng can thiệp khi cần thiết

Trả lời câu hỏi về tỷ gá đang tăng “nóng,” tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3/4, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tỷ giá năm 2023 có những sôi động và điều hành tỷ giá trong năm 2023 có lúc rất khó khăn, vì những tác động chính sách của kinh tế thế giới tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam.

"Trong quý 1/2024, tỷ giá đã nóng hơn. Đây là một trong những vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm, điều hành tập trung," Phó Thống đốc cho biết.

Lý giải về áp lực tỷ giá, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thứ nhất, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc hạ lãi suất, nên giá trị đồng USD thời gian qua tăng cao, tác động đến đồng tiền của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Thứ hai, lãi suất của Việt Nam giảm rất mạnh trong thời gian qua, tạo nên chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng, gây sức ép khiến đồng USD trở nên nóng hơn.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập tới khía cạnh 3 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tích cực nên nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nhiều hơn, tăng hơn giai đoạn trước. Ngoài ra, một số chính sách khác có thể tác động tới chính sách tỷ giá.

Tuy nhiên theo ông Tú, với điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá vẫn đang đảm bảo được ổn định, đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng cũng như trạng thái ngoại tệ dương với các ngân hàng thương mại và nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp và xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu chung của nền kinh tế. Tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam với USD vẫn thấp hơn so với các nước (năm 2023 mất giá khoảng 2,9%). Đến nay, tỷ giá VND/USD chỉ tăng 2,6%.

Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó hỗ trợ giảm áp lực ngắn hạn đối với tỷ giá. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng quốc tế, mức mất giá của VND so với USD tương đối ổn định so với các đồng tiền trong khu vực.

Cũng theo ông Tú, trong điều kiện chính sách tiền tệ nghịch chiều giữa Việt Nam và Mỹ, chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng và đà tăng của đồng USD quốc tế sẽ tiếp tục tạo áp lực đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong ngắn hạn. Trong trung hạn, với việc Fed dự kiến có khả năng sẽ bắt đầu lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2024, áp lực thị trường quốc tế có thể từng bước giảm bớt, đồng USD quốc tế có thể hạ nhiệt cùng với lộ trình hạ lãi suất của Fed.

3c105181-9119-41b9-b541-8a4f1eebe92e.jpg
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ. (Ảnh: Vietnam+)

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành tỷ giá hết sức linh hoạt, lên xuống cùng xu thế chung nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngoại tệ.

"Muốn làm được điều đó phải có các công cụ. Ngoài công cụ điều hành chính sách tiền tệ chúng tôi đang thực hiện cũng có những yếu tố rất mong các cơ quan truyền thông đưa tin để tạo niềm tin thị trường và tránh tâm lý găm giữ ngoại tệ. Trên thực tế, lượng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp cần thiết phải can thiệp vẫn đảm bảo được ổn định," Phó Thống đốc nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục