Tỷ giá ngoại tệ "trôi về đâu" trong dòng xoáy chiến tranh thương mại?

Tỷ giá USD ở các ngân hàng đồng loạt tăng từ 170-200 đồng, chạm mốc 23.300 VND/USD. Tỷ giá này sẽ "trôi về đâu" trước áp lực dòng xoáy của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung?
Ảnh minh họa. (Nguồn: LienVietPostBank)

Tỷ giá USD ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, mức tăng 170-200 đồng. Giá bán tại môt số ngân hàng đã chạm mốc 23.300 VND/USD, chỉ còn cách mức trần 15 đồng.

Tỷ giá tăng mạnh

Vào đầu giờ sáng nay (23/7), giá mua bán USD tại các ngân hàng chỉ biến động nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, thậm chí có ngân hàng còn không có biến động như BIDV và Eximbank.

[Sẽ bán ngoại tệ với giá thấp hơn để ổn định thị trường]

Tuy nhiên, tỷ giá bán tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ tăng thêm 223 đồng/USD, lên 23.273 đồng/USD thay vì mức giá 23.050 đồng/USD được giữ nguyên ở 20 phiên trước đó.

Ngay lập tức, hầu hết giá USD tại các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng vọt, mức tăng lên đến 170-200 đồng.

Cụ thể, tính đến 14 giờ chiều ngày 23/7, ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 23.150-23.220 đồng/USD, tăng 130 đồng so với phiên giao dịch đầu giờ sáng.

Tương tự, VietinBank cũng tăng 129 đồng/USD, hiện ngân hàng này giao dịch ở mức 23.150-23.220 đồng/USD. BIDV tăng mạnh hơn ở mức 150 đồng/USD.

Trong sáng nay, các ngân hàng này đã nhiều lần điều chỉnh tỷ giá, mức cao nhất được các ngân hàng này niêm yết là 23.190-23.260 đồng/USD.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có mức tăng mạnh hơn tới 180 đồng/USD.

Hiện Eximbank niêm yết chiều mua và bán ra từ 23.160-23.270 đồng/USD, tăng 180 đồng so với đầu giờ sáng. ACB tăng 170 đồng lên 23.200-23.270 đồng/USD. Sacombank tăng 190 đồng, hiện ngân hàng này đang giao dịch ở mức 23.180-23.285 đồng/USD.

DongA Bank tăng nhẹ hơn nhưng cũng ở mức cao tới 160 đồng, hiện ngân hàng này giao dịch đồng bạc xanh từ 23.160-23.250 đồng/USD; MB hiện giao dịch từ 22.970-23.270 đồng/USD, tăng 170 đồng; VIB cũng tăng 160 đồng hiện đang mua bán ở mức 23.120-23.260 đồng/USD.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố cho phiên giao dịch ngày 23/7 ở mức 21.644 đồng, giảm mạnh 14 đồng so với cuối tuần trước.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngân hàng Nhà nước tạm dừng can thiệp tỷ giá

Các chuyên gia cho rằng, nhìn vào mức tăng giá USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước lên cao hơn nhiều so với giá bán của các ngân hàng thương mại - là thông điệp chính thức cho biết Ngân hàng Nhà nước tạm dừng bán USD giá thấp cho các thành viên tham gia thị trường.

Thực tế ghi nhận, từ sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ giá USD vào ngày 3/7 (sau khi thị trường tăng nóng 2 tuần trước đó), tỷ giá đã ổn định trở lại ở mức tương đối. Giá bán USD của các ngân hàng ổn định quanh mức 23.000 đồng và không có sự điều chỉnh nào đáng chú ý. Ngoài thị trường tự do, có lúc giá USD tăng mạnh vượt 23.500 đồng nhưng đến nay cũng đã ổn định về quanh 23.100 đồng.

Sau đó ít ngày đã có một số ngân hàng thương mại mua được USD với giá rẻ để điều tiết cung cầu trên thị trường cho khách hàng của mình.

Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: Trong những ngày qua Ngân hàng Nhà nước đã bán USD ra để hạ nhiệt nhưng với việc điều chỉnh tỷ giá tăng trong hôm nay có thể Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào tỷ giá nữa và hình như để tỷ giá được thị trường điều chỉnh. Tôi thấy điều này là là phù hợp nếu cả năm 2018 tỷ giá tăng không quá 3%.

Ông Hiếu cho rằng, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã buộc Chính phủ Trung Quốc đã phải phá giá đồng NDT để ứng phó. Việc phá giá này là để hàng Tung Quốc rẻ đi để bù trừ cho thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ, tạo cân bằng được phần nào sự cạnh tranh của các mặt hàng nước này nhập khẩu vào Mỹ.

Ông Hiếu phân tích thêm, trong thời gian qua VND mất giá so với đồng USD, JPY nhưng lại tăng giá so với NDT, GBP, EUR. Với diễn biến hiện tại tiền VND sẽ tiếp tục mất giá vì Fed sẽ tăng lãi suất của đồng USD lên. Khi đồng NDT mất giá mạnh với hơn 5% so với đồng USD tạo cho VND lên giá so với NDT và từ đó hàng của Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam sẽ rẻ hơn vì biến động tỷ giá.

"Với tình hình này để cân bằng phần nào nhập siêu từ Trung Quốc có thể tiền đồng sẽ mất giá trong thời gian tới đối với đồng NDT và ngay cả đối với đồng USD," ông Hiếu nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục