Tỷ giá dần hạ nhiệt, doanh nghiệp không nên 'găm' USD

Áp lực tỷ giá tạm thời chững lại trước động thái chưa tăng lãi suất đồng USD của Fed. Chuyên gia cho rằng doanh nghiệp không nên tích trữ USD vì sẽ tạo cung cầu ảo, đẩy giá đồng ngoại tệ tăng cao.
Áp lực lên tỷ giá có dấu hiệu dần hạ nhiệt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tỷ giá trong nước đang được hỗ trợ bởi nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ dòng vốn FDI, kiều hối đổ về Việt Nam, Fed lần thứ hai trong năm không tăng lãi suất… đã khiến áp áp lực tỷ giá gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh.

Tỷ giá giảm nhanh

Ngày 21/11, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.900-24.270 đồng/USD, giảm 470 đồng/USD so với phiên đầu tháng.

Tương tự, VietinBank, BIDV, Agribank, Eximbank cũng có mức giảm từ 460-470 đồng/USD và bán ra từ 24.250-24.284 đồng/USD. Như vậy, giá USD tại các ngân hàng đã đồng loạt rớt khỏi mốc 24.300 đồng/USD.

Tỷ giá trung tâm cũng giảm tới 174 đồng so với phiên đầu tháng 11, hiện đang được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.915 đồng/USD.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT nhận định một trong những lý do đáng kể khiến đồng USD giảm nhiệt là vì Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần thứ hai trong năm không tăng lãi suất, vẫn giữ lãi suất ở vùng 5,25%-5,5% trong bối cảnh thị trường việc làm của Mỹ đang yếu dần, tỷ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát giảm, đồng nghĩa với việc các đợt tăng lãi suất vẫn đang phát huy tác dụng.

Vì vậy, chỉ số đồng USD (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) cũng quay đàu giảm nhanh tới 0,53%, xuống mốc 103,82. Đây là mức thấp nhất trong hai tháng qua.

Trong các phiên đấu thầu gần nhất, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hẳn việc phát hành tín phiếu và bơm ròng trở lại thị trường nhờ lượng tín phiếu cũ đáo hạn. Tính từ đầu tháng 11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng trở lại hơn 108.000 tỷ đồng và kéo lượng tín phiếu lưu hành giảm về còn gần 100.400 tỷ đồng.

"Động thái này đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trở lại. Do đó, lo ngại về nguy cơ đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước đã được gỡ bỏ," ông Đinh Quang Hinh nói.

Trong báo cáo về động thái Fed giữ nguyên lãi suất, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank IB Việt Nam (MSVN) đánh giá lần giữ nguyên lãi suất này đem đến tình huống “dễ thở” hơn cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

“Chúng tôi cũng nhận định rằng rất ít khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lần nữa. Điều này sẽ giúp hạ nhiệt thị trường ngoại hối ở Việt Nam, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng,” báo cáo của MSVN đánh giá.

Trước đó, đã có thời điểm VND giảm khoảng 4% so với USD, do chỉ số đồng USD trên thế giới tăng liên tiếp, cùng với việc cắt giảm lãi suất điều hành mạnh mẽ trong nửa đầu năm, khiến lãi suất ngắn hạn trong nước giảm kỷ lục so với lãi suất USD ngắn hạn.

Ngân hàng Nhà nước tạm thời dừng phát hành tín phiếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Áp lực này buộc cơ quan điều hành phải phát hành lượng lớn tín phiếu ra thị trường từ đầu tháng 9 để cân đối. Tổng lượng tiền hút về qua kênh tín phiếu đạt hơn 360.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tính đến tháng Mười, riêng kiều hối về Thành Hồ Chí Minh đã đạt gần 6,7 tỷ USD, vượt cả năm ngoái. Ngoài các nguồn từ Mỹ, châu Âu thì năm nay còn ghi nhận lượng kiều hối về từ các nước châu Á tăng rất cao. Nguồn kiều hối dồi dào đã góp phần làm giảm áp lực tỷ giá.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Thường vào cuối năm áp lực tỷ giá rất lớn vì nhu cầu nhập hàng hóa rất cao, tác động đến cán cân thanh toán, gây áp lực làm tăng tỷ giá. Dòng kiều hối này đã góp phần bình ổn thị trường dịp cuối năm."

Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ được đảm bảo khi cán cân thương mại duy trì thặng dư, nguồn đầu tư ngoại trực tiếp FDI kỷ lục, dự trự ngoại hối giữ ở mức cao 93-95 tỷ USD và lợi suất trái phiếu chỉnh phủ Mỹ biến động giảm nhanh, giảm áp lực rút ròng dòng vốn đầu tư trên thị trường.

Một dấu hiệu khác khiến tỷ giá bớt áp lực nữa là do lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm đã giảm về còn 0,26%/năm, chưa bằng 1/3 so với phiên giao dịch cuối tuần trước (0,83%). Còn so với mức 2,84% ghi nhận vào phiên 24/10, lãi suất qua đêm hiện chỉ bằng 1/10.

Tương tự, lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn chủ chốt khác như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng đều giảm 1,5%-2,5% so với phiên 24/10. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm liên tiếp trong hơn 3 tuần qua. Hiện lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về mức thấp nhất kể từ cuối tháng Chín.

Vẫn phải phòng ngừa rủi ro

Theo Công ty Chứng khoán ACB, trong ngắn hạn, không có rủi ro nào đáng kể từ nội tại nền kinh tế trong nước (tỷ giá và thanh khoản đang đạt điểm cân bằng mới vì kỳ vọng tăng trưởng quý IV tốt hơn quý III), cũng như áp lực từ thị trường quốc tế, Fed duy trì lãi suất điều hành 2 tháng liên tiếp, quan điểm trung lập và chỉ số DXY đang có dấu hiệu thoát đáy.

Nguồn cung ngoại tệ được đảm bảo khi cán cân thương mại duy trì thặng dư. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù tỷ giá đã dần hạ nhiệt và không còn gây áp lực cho nhà điều hành, tuy nhiên các chuyên gia vẫn cảnh báo rủi ro về tỷ giá vẫn còn hiện hữu khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức lớn và nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt sử dụng kênh tín phiếu (có thể với các kỳ hạn ngắn hơn) nếu cần thiết.

Còn theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, các yếu tố rủi ro với tỷ giá vẫn còn khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét trong bối cảnh nguồn cung trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao. Cùng với đó là áp lực lạm phát trong nước và nhu cầu nhập khẩu gia tăng trở lại khi sản xuất phục hồi.

Nhưng VNDirect đánh giá rủi ro từ lạm phát và nhập khẩu là không lớn trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã chủ động chuẩn bị nguồn ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị (từ chính nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu). Do đó, tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối quý 4/2023 nhờ nguồn cung ngoại tệ đổ về dịp cuối năm.

Chuyên gia tài chính, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh dịp cuối năm USD có thể quay lại tăng giá nhưng sẽ quay về mức bình thường do đó, các doanh nghiệp không nên tích trữ USD nếu không thật sự cần thiết vì sẽ tạo cung cầu ảo, đẩy tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng. Khi nào doanh nghiệp cần thanh toán đơn hàng nhập khẩu, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng nguồn cung, do đó nếu vội vàng tích trữ USD trong lúc giá đang cao, bản thân chính doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục