Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kiểm soát lạm phát, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Bộ GD&ĐT đề nghị thực hiện đúng quy định các khoản thu trong giáo dục, đào tạo năm 2022-2023.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 2153/BGDĐT-KHTC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở giáo dục về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022-2023.

Theo văn bản, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thực hiện đúng quy định đối với các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022-2023.

Đối với giá dịch vụ giáo dục, đào tạo (học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo), đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

[Đại biểu QH: Cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí ở mức thấp nhất]

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị gửi văn bản về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền quản lý nhà nước để được hướng dẫn, giải đáp.

Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh; góp phần bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội và có chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để các em có đủ sách giáo khoa đến trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.

Đối với giá sách giáo khoa, vật tư thiết bị giáo dục, đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành có liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục