Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, dịch vụ internet, mạng xã hội đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của cá nhân, cộng đồng, quốc gia-dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, công nghệ cũng tồn tại nhiều mặt trái. Những vụ lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng gia tăng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Việc ngăn chặn thông tin xấu, độc trên không gian mạng nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em được coi là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.
Thiếu kiến thức, gây hậu quả lớn
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với 8 chị em, cuộc sống chịu nhiều cơ cực từ lúc còn nhỏ, thiếu sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của bố mẹ, cuối năm 2021 em Vừ Thị Mỷ (sinh năm 2008 tại thôn Sán Sì Lủng, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) bị một người liên hệ qua điện thoại rủ đi làm thuê bên Trung Quốc với lời hứa sẽ được trả lương cao.
Khi sang đó, em bị ép lấy một người đàn ông lớn tuổi ở khu vực nông thôn. Cuối năm 2022, Mỷ may mắn được các cơ quan chức năng hai nước quan tâm, đưa về nhà sau khi thực hiện một loạt các thủ tục phức tạp vì trước đây em đã nhập cảnh trái phép.
Được về với gia đình sau chuỗi ngày vất vả, tuy nhiên việc làm mẹ đơn thân khi đang ở tuổi thiếu niên, khiến tương lai của Mỷ gần như mờ mịt.
Vừ Thị Mỷ cho biết, cuộc sống bên đó cũng trồng ngô, trồng lúa như ở Việt Nam nhưng không sung sướng như lời đồn. Nhiều lúc làm việc chậm, không vừa lòng nhà chồng, em còn bị khinh thường và xúc phạm.
Vì sống bất hợp pháp, việc đi lại và làm gì cũng không thuận tiện, không có tiếng nói trong gia đình, chẳng may bị đánh đập không ai bảo vệ mình.
Mặc dù ở dưới xuôi, được tiếp cận với nguồn thông tin dễ dàng hơn, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hà (ở thôn 6, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng tin vào những lời ngon ngọt của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội, đầu tư tiền vào những kênh do bọn chúng đưa ra và bị rơi vào bẫy, mất tiền oan.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết bị các đối tượng mời tham gia vào nhóm kiếm tiền. Đầu tiên chỉ cần nạp 50 nghìn đồng nhưng được rút ra 400 nghìn đồng, rất đơn giản. Chị Hà nghe và làm theo vài lần như thế cho đến khi số tiền nạp vào là 18 triệu đồng, không thể rút được nữa.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy có khoảng 30 loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao khác nhau như lừa tiền, lừa tình, quấy rối tình dục… Các đối tượng lừa đảo tìm hiểu, thu thập thông tin của người sử dụng mạng xã hội, từ đó đưa ra những tình huống thao túng tâm lý, lấy lòng tin của người bị hại.
Thời điểm đầu năm, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ cao tuổi và trẻ em…
Tại Việt Nam, vấn đề phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, việc bảo vệ trẻ em và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên không gian mạng hay bảo vệ phụ nữ, trẻ em an toàn trước nạn mua bán người là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cả hệ thống chính trị quan tâm, cam kết thực hiện.
Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2018 đã có những quy định liên quan đến bảo vệ phụ nữ, trẻ em trên môi trường mạng.
Lợi dụng nhu cầu của người dân để lừa đảo
Hiện nay, các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thông tin vẫn còn những vấn đề bất cập. Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế cho thấy, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet; 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày. Cứ 10 nạn nhân lừa đảo trực tuyến đã có 9 người là phụ nữ.
Chỉ trong quý III năm 2023, đã có đến 790 vụ lừa đảo trên mạng được phát hiện. Con số này tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2022.Luật sư Hà Huy Từ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, internet có tác động rất lớn đến con người nói chung cũng như phụ nữ và trẻ em nói riêng, internet là kho tàng tri thức khổng lồ, vô tận của nhân loại.
Phụ nữ được học tập, làm việc, kiếm tiền thông qua mạng xã hội. Trẻ em tận dụng được nguồn lực từ internet để học tập tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, những mặt mạnh, internet cũng có hạn chế, đó là gia tăng các loại tội phạm mạng trên mạng xã hội.
Một số người dân do trình độ nhận thức có những hạn chế, dễ trở thành nạn nhân, bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật như vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, hiện nay, rất nhiều phụ nữ bị lừa đảo trên mạng, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả các nước trên thế giới.
Theo bà Hương, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ thói quen sử dụng mạng xã hội của phụ nữ khác với nam giới. Báo cáo về hành vi sử dụng mạng xã hội cho thấy, cả nam và nữ, mục tiêu đầu tiên khi lên mạng xã hội là tìm thông tin.
Tuy nhiên, nhu cầu chia sẻ, tâm sự của phụ nữ cao hơn so với nam giới (phụ nữ chiếm hơn 60%, trong khi nam giới chỉ khoảng 50%). Đặc biệt những nội dung liên quan mua bán, quảng cáo, tỷ lệ phụ nữ tham gia cao gần gấp rưỡi so với nam giới.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các thủ đoạn ngày càng tinh vi và luôn luôn thay đổi các hình thức với mục đích lợi dụng nhu cầu của người dân, trong đó có phụ nữ để lừa đảo.
Phụ nữ có nhu cầu rất chính đáng là tìm được việc làm mà vẫn có thể chăm sóc được con. Chính vì vậy, rất nhiều phụ nữ hiện nay đang bị rơi vào cái bẫy làm việc online tại nhà và trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao.
Tăng cường tuyên truyền
Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân trên không gian mạng chính là sự nhẹ dạ, cả tin, đặc biệt chưa được trang bị những kiến thức cơ bản để có thể phân biệt được những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng là rất quan trọng để đảm bảo an toàn về tài sản, sức khỏe cũng như tính mạng.
Có thể thấy, tỷ lệ tội phạm mạng cùng nguy cơ bị tấn công bảo mật đang tăng theo cấp số nhân. Trước tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em nhằm phân biệt những thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng (Hội Luật gia Việt Nam) đã tổ chức nhiều buổi tập huấn với chủ đề "Nâng cao nhận thức và tư vấn pháp luật về an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử đối với phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số" tại nhiều địa phương trên địa bàn ngoại thành Hà Nội.
Chi hội trưởng Phụ nữ xã Thuần Mỹ, Ba Vì (Hà Nội) Nguyễn Thị Hoa cho biết, Hội Phụ nữ ở cơ sở đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan chức năng tuyên truyền cho chị em trong xã nhằm nâng cao nhận thức, cảnh giác với những tin nhắn lạ, có dấu hiệu lừa đảo.
“Trong tất cả các cuộc họp, chúng tôi đều tuyên truyền để chị em hiểu, không có chuyện tự nhiên người ta tặng quà, hay đem lợi ích đến cho mình. Lớp tập huấn này giúp đỡ rất nhiều cho chị em trong xã Thuận Mỹ nói chung và thôn 3 nói riêng hiểu sâu, rộng hơn về Luật An ninh mạng, giúp chị em hiểu được việc nào cần thiết, việc nào không cần thiết khi truy cập trên mạng xã hội,” bà Nguyễn Thị Hoa cho biết.
Luật sư Nguyễn Văn Chi (giảng viên tại các buổi tập huấn) cho biết, học viên tham gia lớp tập huấn chủ yếu là phụ nữ ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân tộc thiểu số, nhằm giúp họ có kiến thức pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử và an toàn thông tin mạng để tránh trở thành nạn nhân.
Những lớp tập huấn đã mang lại hiệu quả rất tốt. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục có những dự định, phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục tổ chức những lớp tương tự nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức của bà con liên quan đến tội phạm công nghệ cao.
Có thể thấy, những chương trình tư vấn pháp luật miễn phí được triển khai trên toàn quốc đã cho hiệu quả thiết thực. Tại các buổi tập huấn, các luật sư giới thiệu quy trình xây dựng mạng lưới truyền thông, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử; những quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong giao dịch dân sự như: Trao đổi thư điện tử, giao kết hợp đồng trên mạng, thảo luận, họp trên không gian mạng…
Đây cũng là hành động thiết thực, hiệu quả khi chúng ta xây dựng và thực hiện chiến lược xây dựng công dân số, xã hội số và Chính phủ số.
Nâng cao kỹ năng phòng, tránh các thông tin xấu độc
Theo Luật sư Hà Huy Từ, để phụ nữ được an toàn trên không gian mạng, phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, có hiệu quả. Ở khía cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, phải tăng cường thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức liên quan đến đến an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, giao dịch điện tử và phải tăng cường việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm an toàn thông tin mạng; các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội.
Căn cứ vào tính chất, mức độ, các yếu tố lỗi, các yếu tố khách quan, chủ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc có thể xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các cơ quan, tổ chức cần giáo dục, phổ biến kiến thức cho người lao động, cán bộ, công nhân viên, các hội viên những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng phòng tránh các thông tin xấu độc trên mạng xã hội, để biết cách sàng lọc, khai thác những thông tin tốt, có lợi cho học tập và làm việc.
Bản thân người dân nói chung cũng như phụ nữ và trẻ em nói riêng cần phải nâng cao cảnh giác đối với các thủ đoạn mới, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vụ khống, làm nhục người khác trên mạng xã hội.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Sự phát triển của ngành công nghệ thông tin chính là “chìa khóa” cho sự thay đổi, đóng góp vào sự lớn mạnh của đất nước.
Nhưng để có thể khai thác tối đa hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên không gian mạng, người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng cần có kiến thức, kỹ năng cơ bản để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm trên không gian mạng.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào năm 2023, những lời nói mang tính xúc phạm, những hình ảnh mang tính phỉ báng thị nhằm chủ yếu là phụ nữ, nhiều hơn là vào nam giới.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, đến nay mới có khoảng 3% số nước trên thế giới có những quy định chống xâm hại trên không gian mạng. Nếu phụ nữ không biết tự bảo vệ mình sẽ rất rủi ro khi bị xâm hại trên không gian mạng, không chỉ chuyện lừa đảo mà kể cả xâm phạm về đời tư, cung cấp những thông tin làm giả hình ảnh của mình, đóng phim khiêu dâm.
Những trường hợp như vậy, bản thân phụ nữ và trẻ em gái cần phải nắm được thông tin và hiểu được kiến thức, cách thức để có thể tự bảo vệ mình. Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tăng cường các hoạt động tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho hội viên phụ nữ.
Chủ đề công tác năm 2024 là “ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” nhằm hỗ trợ cho phụ nữ, hội viên ứng dụng công nghệ thông tin một cách an toàn, để có thể tham gia vào xã hội số.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức các hoạt động để chia sẻ, giao lưu và hướng dẫn trực tiếp giúp cho phụ nữ tham gia vào các nền tảng số, cũng như các dịch vụ công hiện nay đang ở mức độ an toàn và bảo mật nhất…/.
Bị chiếm đoạt tiền khi làm CTV online: Vì sao nhiều người 'sập bẫy'?
Theo Công an thành phố Hà Nội, gần đây, thêm một nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng khi tham gia làm cộng tác viên cho website giả mạo trang thương mại điện tử Amazon.