Sự ra đời của ChatGPT khiến cho khối ngành công nghệ có sức thu hút lớn đối với thí sinh. Bên cạnh đó, hàng loạt đại học cũng công bố mở những ngành học mới.
Có nên lựa chọn ngành hot, ngành học mới là câu hỏi đặt ra của nhiều thí sinh khi mùa tuyển sinh đại học năm 2023 đã khởi động và các em sẽ phải chính thức chốt danh sách nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng Bảy tới.
Lợi thế của ngành mới
Chia sẻ với thí sinh về những băn khoăn trước ngành học mới, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng việc mở ra những ngành mới đều phụ thuộc vào cơ chế của Nhà nước, đặc thù của mỗi ngành, mỗi trường và được trường nghiên cứu kỹ càng.
Cũng theo ông Khánh, dù chương trình những ngành mới đa phần đều phải hoàn thiện trong vòng 1-2 năm nhưng lại có lợi thế là liên tục cập nhật, đặc biệt là những công nghệ mới nhất, những gì hay nhất, hợp lý nhất… đều được đưa vào giáo trình mới.
“Khi lựa chọn ngành nghề chúng ta phải có tầm nhìn xa. Vì vậy, phụ huynh và thí sinh yên tâm trong quá trình chọn ngành. Nếu thật sự các em yêu thích, có năng lực về ngành mới nào đó thì các em có thể lựa chọn và chúng ta có thể tiên phong,” Phó giáo sư Nguyễn Phú Khánh phân tích.
Cùng quan điểm này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng thí sinh không nên lo lắng trước những ngành mới vì khi đưa ra các ngành học mới, các trường đều có khảo sát nhu cầu, đánh giá, cân nhắc và qua các hội đồng thẩm định, phê duyệt.
Vì thế, ông Nguyên cho rằng thí sinh theo học những ngành mới sẽ có cơ hội việc làm. “Các xu hướng cũ qua đi sẽ có các xu hương mới thay vào và tạo ra nhiều việc làm mới. Nếu tiếp cận sớm thì chúng ta cũng có nhiều cơ hội là chuyên gia sớm về lĩnh vực đó. Nếu chúng ta chỉ đi theo những xu hướng cũ đã nhiều người theo thì khó có thể vượt qua những người đã có kinh nghiệm... Do đó, theo tôi, những ngành mới sẽ là cơ hội mới cho các em,” Phó giáo sư Trần Trọng Nguyên nói.
Không có ngành "hot" lâu dài
Theo các chuyên gia, thế giới ngày càng phát triển kéo theo sự biến chuyển của các ngành nghề, đặc biệt khi bước vào kỷ nguyên 4.0. Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Phú Khánh cho rằng chỉ cách đây hai năm, mọi thứ đã khác rất nhiều, khối ngành công nghệ phát triển nhanh, các ngành nghề truyền thống như thủy sản, nông lâm, du lịch… không được lựa chọn nhiều như trước.
“Nếu chạy theo những ngành 'hot' thì 5 - 7 năm sau chưa chắc đã là lựa chọn tốt,” ông Khánh cho hay.
Trên thực tế, nhóm ngành “hot” đã có sự chuyển đổi liên tục trong những năm qua với khối ngành kỹ thuật giai đoạn đầu những năm 2.000, tiếp theo là sự lên ngôi của nhóm ngành khối tài chính-ngân hàng ở thập niên 2010, khối ngành kinh tế-kế toán ở giai đoạn tiếp theo và hiện nay là các nhóm ngành kinh doanh và công nghệ thông tin.
[Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ lỗi dễ khiến thí sinh trượt oan]
Đưa ra minh chứng từ số liệu thống kê, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong 3 đến 5 năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký và nhập học các khối ngành kinh doanh, quản trị, quản lý chiếm ưu thế với tỷ lệ gần 25%. Sau đó là đến khối ngành về công nghệ thông tin. Tiếp theo là đến kỹ thuật công nghệ và cuối cùng là báo chí, luật.
“Tỷ lệ trúng tuyển và nhập học các ngành nông, lâm, thuỷ hải sản thấp hơn cả. Các ngành khoa học xã hội hay dịch vụ công cũng tương tự. Có thể thấy, xã hội, doanh nghiệp đang thiếu hụt nhân sự những ngành này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hay trường quốc tế về tận trường để tìm kiếm nhân lực,” bà Thủy cho biết.
Chia sẻ từ góc nhìn thực tiễn, ông Ngô Minh Tuấn, người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global cho rằng không có ngành nào “hot” theo một chu kỳ dài và thí sinh không nên chạy theo ngành “hot.” “Điều quan trọng là làm nghề nào bạn giỏi và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho xã hội thì khi đó, bạn trở thành người 'hot' vì sẽ luôn được chào đón,” ông Tuấn chia sẻ.
Theo đó, ông Tuấn khuyên thí sinh cần tập trung vào năng lực sở trường bên trong của bản thân để biết ngành nghề nào mình có thể đáp ứng tốt nhất, mình thích nhất, phù hợp nhất, từ đó đặt ra lộ trình và quyết tâm theo đuổi để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó thì chắc chắn sẽ gặt hái thành công.
Đây cũng là tư vấn của Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng khi chọn ngành nghề, yếu tố quan trọng nhất là mình yêu thích gì, có phù hợp không,” ông Thuận nói.
Để biết mình yêu thích gì, có phù hợp không, ông Thuận khuyên thí sinh có thể dùng phương pháp xét nghiệm tính cách từ các trang uy tín trên Internet, hỏi chuyên gia, kinh nghiệm từ những người đi trước để từ đó phân tích tổng hợp và đưa ra quyết định cuối cùng./.