Tuyển sinh đại học năm 2024: Ngành vi mạch, bán dẫn “lên ngôi”

Năm 2024 hứa hẹn sự "lên ngôi" của ngành vi mạch, bán dẫn khi hàng loạt trường mở ngành đào tạo, thí sinh cũng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thí sinh cần cẩn trọng để không "sập bẫy" ngành "hot".
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: Hồng Giang/Vietnam+)

Mùa tuyển sinh đại học năm 2024, hàng loạt trường đại học đã mở ngành đào tạo vi mạch, bán dẫn. Thông tin từ các trường cho thấy tại Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh-hướng nghiệp vừa diễn ra ở Hà Nội, các trường đã nhận được sự quan tâm lớn của thí sinh với ngành này.

Mở ngành mới, tăng chỉ tiêu

Theo dự báo của các chuyên gia, Việt Nam đang rất “khát” nhân lực ngành này khi thiếu khoảng 20.000 nhân lực trình độ đại học của ngành này trong 5 năm tới và con số này lên đến khoảng 50.000 người trong 10 năm tới. Đây cũng là ngành đang “khát” nhân trên toàn cầu khi dự kiến đến năm 2030, ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân lực.

Những thông tin trên khiến cho ngành vi mạch, bán dẫn dự kiến trở thành một trong những ngành “hot” nhất mùa tuyển sinh đại học năm nay.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các trường đại học đã mở chương trình đạo tạo ngành vi mạch, bán dẫn đồng thời tăng chỉ tiêu những ngành gần. Nhiều đơn vị đã công bố mở ngành này như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội…

Trường Đại học FPT thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn, đào tạo lứa học viên, sinh viên đầu tiên từ năm nay với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và thực hiện các nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết công bố mở Chương trình đào tạo Vi điện tử - Thiết kế vi mạch, thuộc Khoa Điện tử - Viễn thông với 60 chỉ tiêu. Để phục vụ cho việc đào tạo này, ngoài chuẩn bị nhân lực, trường cũng tăng cường trang bị cơ sở vật chất với phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch cùng các phần mềm chuyên dụng đồng thời nâng cấp các phòng thí nghiệm điện tử. Trường cũng vừa đưa vào sử dụng một phòng máy tính phục vụ đào tạo lĩnh vực Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.

Cũng mở ngành mới trong năm nay, Trường Đại học Phenikaa dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch - bán dẫn) với 50 chỉ tiêu. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tuyển khoảng 50 chỉ tiêu cho chuyên ngành Thiết kế vi mạch. Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch - bán dẫn với 40 chỉ tiêu. Học viện Bưu chính Viễn thông mở chuyên ngành Vi mạch bán dẫn trong ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử.

Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng; Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Học viện Bưu chính Viễn Thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tốp 5 cơ sở giáo dục đại học lớn của Việt Nam về lĩnh vực công nghệ thông tin gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Học viện Bưu chính Viễn thông đã cùng ký kết Biên bản Hợp tác liên minh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Sự hợp tác này nhằm tạo ra các quy chế đặc biệt cho đào tạo, nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và quốc tế, tạo ra ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Cẩn trọng với “bẫy” ngành “hot”

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết dù là chuyên ngành mới mở nhưng nhà trường nhận được rất nhiều câu hỏi của thí sinh quan tâm đến ngành này, đặc biệt là trong Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh-hướng nghiệp mới được tổ chức gần đây, khi các em có điều kiện gặp trực tiếp các cán bộ tư vấn tuyển sinh của trường.

“Rất nhiều bạn muốn đăng ký trực tiếp vào ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử để học chuyên ngành Vi mạch, bán dẫn. Nhưng ai cũng có câu hỏi về việc thời điểm này ngành đang ‘hot’ nhưng liệu sau 4 năm học đại học ra trường, ngành còn ‘hot’ nữa không?” bà Huệ cho biết.

Trả lời câu hỏi này của các thí sinh, bà Huệ cho rằng hiện nay mới là thời điểm bắt đầu xu thế của ngành Vi mạch, bán dẫn. Năm nay cũng gần như là năm đầu tiên các trường đại học mở ngành, chuyên ngành đào tạo trực tiếp về lĩnh vực này. Vì thế, cùng với các trường, lứa sinh viên tuyển sinh năm nay sẽ chính là những người đặt nền móng trong đào tạo Vi mạch, bán dẫn.

Và vì là những nhân lực đầu tiên được đào tạo trực tiếp, chuyên sâu về vi mạch, bán dẫn trong khi thị trường đang rất “khát” nhân lực nên các em không cần lo lắng về cơ hội việc làm. Là người làm trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, bà Huệ cũng khẳng định đây là ngành có thu nhập tốt, càng làm lâu năm thì thu nhập càng cao.

Tuy nhiên, cũng theo bà Huệ, điều quan trọng là sinh viên phải nỗ lực trong học tập để có thể nắm vững kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Đây cũng là điều ông Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa đặc biệt lưu ý thí sinh. Là một trong những cơ sở giáo đại học bắt đầu đào tạo ngành này từ năm nay, ông Khánh cho hay nhận được rất nhiều câu hỏi của thí sinh.

Theo ông Khánh, ngành bán dẫn trở nên rất ‘hot’ trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ với kế hoạch có nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực này. Dự kiến đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn chiếm khoảng 10.000 tỷ đô và Việt Nam đang thiếu khoảng 50.000 kỹ sư. Vì vậy, đây rõ ràng là ngành quan trọng, cơ hội việc làm lớn.

Tuy nhiên, Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa đặc biệt lưu ý thí sinh cẩn trọng để không “sập bẫy” ngành “hot” khi mải chạy theo xu hướng mà không xem xét kỹ bản thân, cả về năng lực, sở trường, sở thích và khả năng đáp ứng các yêu cầu đào tạo của ngành này.

Đừng vội chạy theo ngành “hot” cũng là lời khuyên của Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Ngành xã hội cần thì trong thời điểm ngắn, thí sinh học xong có thể dễ tìm việc làm, nhưng về lâu dài, đam mê sẽ là động lực kích thích để các em phát triển, tiến lên nếu các em thực sự theo đuổi ngành mình yêu thích,” Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục