Theo công bố của các trường đại học, điểm chuẩn của các trường cơ bản đều tăng khá mạnh, có ngành tăng đến 9 điểm so với mức điểm chuẩn của năm 2020.
Điểm chuẩn cao ngất ngưởng
Nếu trước đây, điểm chuẩn “ba con 9” với tổng số 27 điểm đã là con số ước mơ của nhiều trường đại học thì trong năm 2020, điểm chuẩn của nhiều trường đại học đã vượt ngưỡng 28 điểm và tiếp tục vượt ngưỡng 29 điểm, thậm chí 30 điểm trong mùa tuyển sinh đại học năm 2021.
Điểm chuẩn của ngành Sư phạm Ngữ Văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức lên tới 30,5 điểm. Điểm chuẩn ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an nhân dân là 30,34 điểm với nữ (khối C00). Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh nếu đạt điểm tuyệt đối ở cả ba môn thi trong tổ hợp xét tuyển thì vẫn có thể trượt đại học nếu không có thêm điểm cộng ưu tiên.
Ngành Hàn quốc học của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có điểm chuẩn 30/30 điểm. Mức điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên cũng xuất hiện ở nhiều trường với nhiều ngành học.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đại học Quốc gia Hà Nội có điểm chuẩn khối C00 ở mức gần tuyệt đối 29,8 điểm ngành Đông phương học, 29,3 điểm với ngành Quan hệ công chúng. Điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân là 29,99 điểm khối A01 và 29,26 điểm với khối D01, áp dụng cho thí sinh nữ, ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), 9,84 điểm với thí sinh nữ ở địa bàn 2 (gồm các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ). Điểm chuẩn ngành An toàn Thông tin dành cho thí sinh nữ khu vực phía Bắc, tổ hợp A01 của Học viện này cũng có điểm chuẩn lên đến 29,39 điểm.
Ở khối trường quân đội, các ngành ngôn ngữ của Học viện Khoa học quân sự đều có điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở mức rất cao như ngành Ngôn ngữ Anh 29,44 điểm, ngành Ngôn ngữ Nga 29,30 điểm. Ở khối sư phạm, ngành Sư phạm Lịch sử chất lượng cao của Đại học Hồng Đức có điểm chuẩn 29,75 điểm. Khối ngành luật, điểm chuẩn ngành Luật Kinh tế (tổ hợp C00) của Đại học Luật Hà Nội là 29,25 điểm.
Ở khối ngành khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, kinh tế, điểm chuẩn cũng rất cao, nhiều ngành và nhiều trường ở ngưỡng từ 28 điểm trở lên. Điểm chuẩn các ngành Khoa học Máy tính và Kỹ thuật máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội đều trên 28 điểm. Điểm chuẩn ngành Công nghệ Thông tin của Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là 28,75 điểm. Điểm chuẩn tất cả các ngành học của Đại học Ngoại thương ở cả trụ sở chính Hà Nội và cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh đều trên 28 điểm.
Tăng mạnh ở trường, ngành tốp giữa
Theo phó giáo sư Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, việc điểm chuẩn năm nay tăng hơn so với năm ngoái là điều đã được dự báo từ trước, ngay sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.
Trước kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định mục đích của kỳ thi là để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc học của học sinh gặp nhiều khó khăn trong cả năm học lớp 11 và lớp 12, đặc biệt là giai đoạn cuối năm lớp 12, các em phải học trực tuyến. Vì thế, đề thi tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm mức độ để phù hợp với tình hình thực tế.
[Tuyển sinh năm 2021: Thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1]
“Kết quả xét tuyển cho thấy, điểm xét tuyển các ngành học ở Đại học Giao thông Vận tải cơ bản đều tăng so với năm học trước, trong đó các ngành nhóm đầu như Kỹ thuật ô tô, Công nghệ thông tin tăng nhẹ, khoảng 1 điểm. Các ngành nhóm hai tăng mạnh hơn, từ một đến ba điểm,” phó giáo sư Nguyễn Thanh Chương cho hay.
Tại Đại học Sư phạm Hà Nội, mức điểm chuẩn các ngành nhóm đầu không tăng nhiều trong khi một số ngành lại tăng rất cao như ngành Giáo dục công dân tăng đến 6,75 điểm, ngành ngành Giáo dục chính trị thậm chí có điểm chuẩn tăng đột biến tới tận 9 điểm.
Đây cũng là bức tranh chung của điểm chuẩn năm nay: Điểm chuẩn tăng nhẹ ở trường, ngành tốp đầu vào tăng mạnh ở ngành, trường tốp giữa. Điểm chuẩn các ngành đào tạo ở Đại học Ngoại thương đều tăng so với năm 2020, mức tăng khoảng trên dưới 1 điểm mỗi ngành. Tương tự, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn một số ngành tăng nhẹ, một số ngành thậm chí giảm nhẹ. Trong khi trường tốp giữa như Đại học Thủy lợi, các ngành học đều tăng từ hai đến ba điểm, thậm chí có ngành tăng đến 5 điểm như ngành Kỹ thuật điện tăng từ 16 điểm (năm 2020) lên 22,2 điểm. Việc điểm thi cao khiến một trường phải sử dụng đến tiêu chí phụ để xét tuyển.
Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc các ngành, trường tốp đầu có điểm chuẩn tăng nhẹ hoặc tương đối ổn định do điểm chuẩn của các ngành, trường này vốn đã rất cao trong năm 2020. Trong khi đó, do đề thi giảm độ khó nên số lượng thí sinh đạt mức điểm 7-8 nhiều hơn, dẫn đến điểm chuẩn các trường, ngành nhóm giữa tăng lên.
Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng sư phạm sẽ phải công bố điểm chuẩn theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 trước 17 giờ chiều nay, 16/9./.