Tuyển sinh đại học: Chuẩn bị nhiều phương án để đảm bảo chất lượng

Nhiều trường đại học đã chuẩn bị các hình thức tuyển sinh khác nhau nhằm ứng phó trong trường hợp không thể sử dụng điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia để xét tuyển.
Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) học trực tuyến tại nhà. (Ảnh: TTXVN)

Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường như hiện nay, trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo “chốt” phương án cuối cùng cho Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2020, nhiều trường đại học đã chuẩn bị các hình thức tuyển sinh khác nhau nhằm ứng phó trong trường hợp không thể sử dụng điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia để xét tuyển.

Đặc biệt, với các trường đại học top đầu, phương án tuyển sinh riêng đã được tính đến nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào.

Không đánh đổi chất lượng vì dịch bệnh

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ ở nước nào cũng vậy, tuyển sinh đại học là để phân loại thí sinh có đủ năng lực theo học ở bậc đại học. Thậm chí, ở một số nước như Mỹ, Nhật Bản…, các trường đại học hàng đầu coi tuyển sinh đại học là kỳ thi để lựa chọn và tuyển nhân tài. Chính vì vậy, kỳ thi tuyển sinh đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chất lượng đầu vào là một tham số quan trọng đầu tiên.

Vì vậy, trước tình hình dịch bệnh, các trường đại học lo lắng về kỳ tuyển sinh đại học là việc đương nhiên và hoàn toàn chính đáng. Việc xét tuyển đại học chỉ căn cứ vào học bạ, có thể nhàn cho các trường và dễ tuyển sinh, nhưng chúng ta có căn cứ để băn khoăn về chất lượng đầu vào.

Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, dịch bệnh là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến việc học tập và tuyển sinh. Một số nước đã đóng cửa trường học, nhiều nước cho học sinh, sinh viên nghỉ học, nhưng chưa có trường nào tuyên bố thay đổi phương thức tuyển sinh. Điều đó có nghĩa là họ chấp nhận “chậm dần đều," năm học có thể lùi lại và tuyển sinh cũng có thể lùi lại. Chất lượng phải là tiêu chí hàng đầu.

Về nguyên tắc, việc giảng dạy online là giải pháp tình thế, thậm chí năm học có thể kéo dài và dạy bù, nhưng không có nghĩa chúng ta đánh đổi về mặt chất lượng.

[Thi THPT Quốc gia: Cần sớm 'chốt' phương án để học sinh không bị động]

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng với năm nay, phương án lý tưởng là hy vọng bệnh dịch sớm kết thúc và chúng ta vẫn kịp tổ chức được kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia như kỳ vọng. Hai là, đành phải chấp nhận giải pháp tình thế, là phương án xét học bạ chỉ như là sơ tuyển, có thể tuyển thẳng với các em học sinh giỏi các trường chuyên, đoạt giải quốc gia, quốc tế, sau đó các trường cần chủ động có phương án tổ chức các kỳ thi tuyển (trên giấy hoặc máy tính).

Với các điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, bài thi giấy sẽ thuận lợi hơn (diễn ra khi hết dịch COVID-19) để bảo đảm chất lượng đầu vào phù hợp với từng ngành trong trường. Ví dụ, ngoài Toán và Ngữ văn, với ngành Y Dược có thể có bài thi môn Sinh học hoặc Hóa học; hoặc có thể là bài thi Ngoại ngữ với các ngành Ngoại ngữ... Các trường nhỏ hơn và chưa có điều kiện tổ chức kỳ thi riêng có thể hợp tác và lấy điểm thi đầu vào của các trường này làm căn cứ xét tuyển đại học.

Đề cập đến vấn đề xét học bạ để tuyển sinh, phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng hình thức này không công bằng với tất cả các thí sinh và thậm chí không xét được. Các trường top đầu xét học bạ sẽ “vỡ trận” ngay lập tức vì không có sự khác nhau giữa các thí sinh nên phương án này không khả thi.

Thực tế, nếu không thi Trung học Phổ thông quốc gia, các trường đại học vẫn chủ động được phương án tuyển sinh. Theo tính toán, hiện đã có khoảng 2/3 số trường đại học xét tuyển bằng học bạ. Những trường còn lại là những trường đại học lớn nên các phương án tuyển sinh đều được tính toán để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.

Chủ động xây dựng phương án tuyển sinh

Đến thời điểm này, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, dự kiến vào ngày 25/7, trước khi diễn ra kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2020 (từ 8-11/8).

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức thi trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn trong một buổi với thời gian làm bài 180 phút, riêng đối với các ngành Ngôn ngữ Anh thời gian làm bài 210 phút.

Nội dung và hình thức thi: Đối với khối kỹ thuật, kinh tế, thi một buổi trên giấy với 3 môn Toán (85-90 phút), Đọc hiểu (30 - 35 phút) và môn thứ ba (60 phút). Tổng thời lượng bài thi 180 phút.

Đối với ngành Ngôn ngữ Anh, thi một buổi với bài thi trên giấy 2 môn Toán (85-90 phút) và Đọc hiểu (30-35 phút), tổng thời lượng bài thi trên giấy 120 phút, môn thứ ba là tiếng Anh (90 phút) thi trên máy tính. Tất cả các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Toán có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận (tự luận ngắn làm trực tiếp lên bài thi có đề và ô trống). Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ được miễn thi tiếng Anh và quy đổi điểm theo quy định của trường.

Phó giáo sư, tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết đề thi của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội khác với đề thi Trung học Phổ thông quốc gia là có độ khó cao hơn, vì mang tính chất tuyển chọn thí sinh có năng lực vào trường. Dù vậy, học sinh yên tâm là chỉ cần tham khảo hướng dẫn của nhà trường, có phương pháp tự học, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn là có thể làm được bài thi. Dự kiến, nhà trường sẽ công bố đề thi mẫu vào đầu tháng Năm tới.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa ra thông báo về phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020 với hai phương án tuyển sinh đại học chính quy theo hai "kịch bản" thi Trung học Phổ thông quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo phương án 1, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020, trường sẽ giữ nguyên phương án tuyển sinh dự kiến như đã công bố, trong đó xét tuyển chủ yếu bằng kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia.

Theo phương án 2, trường hợp do dịch bệnh kéo dài, Bộ không tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ tổ chức Kỳ thi tuyển sinh đại học và sẵn sàng phối hợp với các trường khác tổ chức thi tuyển sinh đại học chung với mục tiêu đảm đảm bảo sự ổn định và nhất quán với phương án tuyển sinh đã công bố, bảo vệ quyền lợi cao nhất của thí sinh.

Dự kiến, nếu theo phương án này, sẽ thi 8 môn tương ứng với 9 tổ hợp xét tuyển gồm, A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); D01 (Toán, Văn, Anh); D07 (Toán, Hóa, Anh); D09 (Toán, Sử, Anh); D10 (Toán, Địa, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C03 (Toán, Văn, Sử), C04 (Toán, Văn, Địa). Thí sinh tự chọn môn thi cần thiết, đảm bảo cho việc đăng ký xét tuyển của mình.

Về hình thức, nội dung thi, thí sinh sẽ thi viết luận môn Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm, định dạng và nội dung tương tự như đề thi tham khảo thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2020 đã công bố của Bộ.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, siết chặt an ninh trong tất cả các khâu và thực hiện nghiêm túc quy chế thi hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian thi dự kiến thi vào tháng 8/2020, địa điểm thi tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo nhà trường, phương án 2 là phương án dự phòng, với mục tiêu giữ ổn định cao nhất giúp cho thí sinh yên tâm học tập, ôn tập và tự tin dự thi. Nếu tình hình không cho phép tổ chức thi tập trung và những trường hợp đặc biệt khác, trường sẽ có thông báo sau.

Chia sẻ về phương án tuyển sinh trong tình hình dịch bệnh hiện nay, giáo sư, tiến sỹ Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại cho biết trường hợp vẫn tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia nhưng tinh giản môn thi, tinh giản kiến thức, nhà trường sẽ xác định lại các tổ hợp xét tuyển trên cơ sở các môn thi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, với một số môn học cần thiết xét tuyển cho các ngành và chuyên ngành đào tạo mà không có trong danh mục các môn thi tốt nghiệp, nhà trường sẽ căn cứ kết quả học tập môn học đó trong học bạ Trung học Phổ thông của thí sinh.

Học sinh ôn bài online tại nhà. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Trường hợp không có Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả học tập Trung học Phổ thông của thí sinh để xét tuyển theo các tổ hợp xét tuyển phù hợp. Song cũng không loại trừ một phương án nữa có thể đặt ra là quay lại phương thức thi 3 chung như trước kia đã từng tổ chức hoặc các trường đại học có cùng khối ngành đào tạo có thể hợp tác tổ chức một kỳ thi chung với nhau...

Như vậy, dù có hay không tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2020, với các thí sinh lớp 12 năm nay, việc cần nhất trong giai đoạn này là tập trung học tập, ôn luyện, củng cố kiến thức để tự tin, sẵn sàng cho việc xét tuyển vào các trường đại học mà mình mơ ước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục