Tuyển sinh đại học 2022: Hàng nghìn chỉ tiêu xét bổ sung chờ thí sinh

Hiện hàng chục trường đại học đã công bố xét tuyển bổ sung với nhiều hình thức đào tạo, nhiều nhóm ngành nghề. Đây là cơ hội cho những thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng 1.
Tuyển sinh đại học 2022: Hàng nghìn chỉ tiêu xét bổ sung chờ thí sinh ảnh 1Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngay sau khi kết thúc xét tuyển đợt một, hàng chục trường đại học đã công bố xét tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu ở nhiều nhóm ngành nghề, loại hình đào tạo, bao gồm cả các trường đại học công lập và ngoài công lập.

Sáng nay, 23/9, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo xét tuyển 240 chỉ tiêu cho 9 ngành đào tạo gồm nhiều lĩnh vực: Luật quốc tế, Thiết kế thời trang, Công nghệ hóa học, Công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật cơ khí. Mỗi ngành tuyển từ 10 đến 50 chỉ tiêu. Trường xét tuyển theo nhiều phương thức: xét học bạ, xét điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, theo điểm bài thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu cho 9 chuyên ngành đào tạo với mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển chỉ 15 điểm. Trường sử dụng hai phương thức xét tuyển là điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ.

Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thông báo tuyển bổ sung cho 8 ngành đào tạo gồm Thiết kế thời trang; Kế toán; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Marketing; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Quản lý công nghiệp; Công nghệ Sợi, Dệt; và Công nghệ May. Trường xét tuyển theo hai phương thức: dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm học bạ, với mức điểm nhận hồ sơ giao động từ 17 đến 21 điểm tùy theo từng ngành và từng phương thức.

Tuyển sinh đại học 2022: Hàng nghìn chỉ tiêu xét bổ sung chờ thí sinh ảnh 2Chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của Trường Quản trị và Kinh doanh.

Các thí sinh quan tâm đến chương trình đào tạo chất lượng cao có thể xét hồ sơ vào 4 ngành đào tạo của Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đại học này tuyển bổ sung 104 chỉ tiêu cho 4 ngành, loại hình đào tạo chất lượng cao, gồm: Quản trị và An ninh (47 chỉ tiêu), Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ (26 chỉ tiêu), Marketing và Truyền thông (9 chỉ tiêu), Quản trị Nhân lực và Nhân tài (16 chỉ tiêu).

[Lý giải vì sao điểm chuẩn thi đại học khối C năm 2022 tăng chóng mặt]

Với chương trình đào tạo theo hình thức liên kết quốc tế cũng có nhiều trường công bố xét tuyển bổ sung. Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông báo tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ cho ba chương trình liên kết đào tạo quốc tế do trường đại học nước ngoài cấp bằng. Cụ thể, ngành Quản lý (chuyên sâu về Marketing và Khởi nghiệp) - Đại học Keuka, Hoa Kỳ cấp bằng, tuyển 130 chỉ tiêu; ngành Kế toán và Tài chính - Đại học East London, Vương Quốc Anh cấp bằng, tuyển 130 chỉ tiêu; ngành Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch - Đại học Troy, Hoa Kỳ cấp bằng, tuyển 100 chỉ tiêu.

Học viện Ngân hàng cũng thông báo tuyển sinh bổ sung các ngành đào tạo hệ quốc tế hợp tác với Đại học Coventry, Anh quốc, các ngành Ngân hàng và Tài chính Quốc tế, Kinh doanh Quốc tế, Marketing Kỹ thuật số với tổng số 143 chỉ tiêu. Trường có 5 phương thức xét tuyển: dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, theo học bạ, theo điểm thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, theo các chứng chỉ quốc tế, xét theo năng lực ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, Học viện Ngân hàng cũng thông báo xét tuyển bổ sung hệ đại học chính quy năm 2022 tại Hà Nội cho hai ngành do trường cấp bằng là Kế toán định hướng Nhật Bản và Công nghệ thông tin định hướng Nhật Bản, mỗi ngành 15 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông và mỗi ngành 10 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ.

Tuyển sinh đại học 2022: Hàng nghìn chỉ tiêu xét bổ sung chờ thí sinh ảnh 3Hàng chục nghìn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung sẽ là cơ hội cho các thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng 1. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điểm thí sinh cần lưu ý là các chương trình liên kết đào tạo quốc tế sẽ có học phí khá cao, lên đến vài trăm triệu đồng cho cả bốn năm học, tùy theo hình thức liên kết đào tạo.

Ở mức học phí và chi phí sinh hoạt thấp hơn, điểm xét tuyển thấp hơn và chỉ tiêu tuyển sinh nhiều hơn, rộng cửa trúng tuyển hơn, thí sinh có thể lựa chọn các đại học vùng. Hiện đã có rất nhiều trường đại học ở các địa phương thông báo xét tuyển bổ sung với hàng trăm chỉ tiêu.

Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thông báo tuyển bổ sung trên 800 chỉ tiêu cho 17 ngành học, thuộc nhiều nhóm ngành: sư phạm, du lịch, luật, nghệ thuật… Trường xét tuyển theo hai phương thức xét tuyển là dựa trên điểm học bạ và điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, với mức điểm nhận hồ sơ chỉ từ 15 điểm.

Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định tuyển bổ sung 480 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo, trong đó có những ngành “hot” như Logistics, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện-điện tử… Trường xét tuyển theo ba phương thức: dựa trên điểm học bạ, xét theo điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông và xét theo điểm bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Mức điểm nhận hồ sơ chỉ từ 15 điểm.

Ở nhóm ngành y, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định xét tuyển bổ sung đợt 2 với tổng 420 chỉ tiêu cho hai ngành Điều dưỡng (260 chỉ tiêu), Hộ sinh (160 chỉ tiêu), theo các tổ hợp B00, B08, D01 và D07.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đợt xét tuyển bổ sung sẽ do các trường tự chủ về thời gian nhận hồ sơ nên kế hoạch của mỗi trường sẽ có sự khác nhau. Vì thế, thí sinh nên chủ động tìm hiểu kỹ thông tin trên website của trường để chủ động nộp hồ sơ đúng thời gian quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục