Tuyển sinh đại học 2019: Ngành nào có tỷ lệ chọi cao nhất?

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khối ngành kinh doanh, quản lý có số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều nhất với 823.000 nguyện vọng, nhưng đây không phải là nhóm ngành có tỷ lệ chọi cao nhất.
Thí sinh tìm hiểu thông tin trước khi làm hồ sơ xét tuyển tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thí sinh tìm hiểu thông tin trước khi làm hồ sơ xét tuyển tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mùa tuyển sinh năm 2019 đang bước vào giai đoạn cao trào nhất, khi các trường đại học bắt đầu công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển và các thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển một lần duy nhất.

2,5 triệu nguyện vọng xét tuyển

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, năm 2019, có 370 đơn vị đăng ký xét tuyển, trong đó có 279 trường đại học, 52 trường cao đẳng sư phạm và 37 trường trung cấp sư phạm.

Tổng số thí sinh tham gia thi Trung học phổ thông quốc gia là 887.104 em, trong đó có 653.278 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

[Đại học Công nghiệp Hà Nội công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển]

Cả nước có trên 2,5 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển là 653.278 em. Theo đó, trung bình, mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển 3,9 nguyện vọng. Thí sinh đăng ký nhiều nhất là 50 nguyện vọng.

Tuyển sinh đại học 2019: Ngành nào có tỷ lệ chọi cao nhất? ảnh 1Các đơn vị tham gia tuyển sinh năm 2019.

Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học của các trường năm 2019 là 489.637 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu này tăng 7% so với năm 2018. Nguyên nhân tăng chỉ tiêu do số lượng trường được kiểm định năm nay cao hơn năm 2018 với 123 trường. Vì được kiểm định chất lượng nên các trường không bị khống chế chỉ tiêu như năm trước. Bên cạnh đó, năm nay, Bộ cũng tính tăng chỉ tiêu cho các trường có sàng lọc đầu ra tốt.

Trong tổng số chỉ tiêu này, có 341.840 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia, chiếm 70%. Chỉ tiêu này tương đương với chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức dựa trên điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Số 30% chỉ tiêu còn lại các trường đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau như xét theo học bạ, theo các chứng chỉ quốc tế, xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực… So với năm 2018, xét tuyển bằng phương thức này năm nay tăng trên 36.000 chỉ tiêu.

Tuyển sinh đại học 2019: Ngành nào có tỷ lệ chọi cao nhất? ảnh 2Số nguyện vọng đăng ký và chỉ tiêu theo các khối ngành.

Khối ngành có chỉ tiêu lớn nhất là khối ngành 5, bao gồm các ngành công nghệ, kỹ thuật, sản xuất, chế biến... với tổng số hơn 159.000 chỉ tiêu; tiếp đó là khối ngành 3, gồm các ngành kinh doanh, quản lý với gần 126.500 chỉ tiêu. Khối ngành 3 cũng là khối ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều nhất với gần 823.000 nguyện vọng. Tuy nhiên, khối ngành có tỷ lệ chọi nguyện vọng trên số chỉ tiêu cao nhất là khối ngành 7, gồm các ngành khoa học xã hội và an ninh quốc phòng, với tỷ lệ 7,1 nguyện vọng/chỉ tiêu.

Tuyển sinh đại học 2019: Ngành nào có tỷ lệ chọi cao nhất? ảnh 3Tỷ lệ chọi nguyện vọng/chỉ tiêu của các khối ngành.

Thí sinh vẫn tập trung xét tuyển theo các tổ hợp thi truyền thống là khối A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, văn, ngoại ngữ), B00 (toán, hóa, sinh), C00 (văn, sử, địa) và D01 (toán, văn, tiếng Anh).

Thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, ngoài các tổ hợp truyền thống còn có 133 tổ hợp khác được các trường đăng ký xét tuyển với Bộ. Tuy nhiên, 133 tổ hợp này chỉ có chưa đến 10% thí sinh đăng ký. Có tới trên 90% thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp truyền thống.

Tuyển sinh đại học 2019: Ngành nào có tỷ lệ chọi cao nhất? ảnh 4Tỷ lệ phần trăm số nguyện vọng của thí sinh theo các tổ hợp xét tuyển

“Vì thế, các trường không nên mất quá nhiều công sức để nghĩ ra các tổ hợp mới, lạ, thậm chí không đúng với ngành đào tạo,” bà Phụng khuyến nghị.

Hỗ trợ tối đa cho thí sinh xét tuyển

Theo bà Phụng, thời gian tới là cao điểm của mùa tuyển sinh đại học năm 2019. Nhiệm vụ của các trường đại học là phải hỗ trợ tối đa cho thí sinh xét tuyển như công bố số điện thoại đường dây nóng trực, hỗ trợ kịp thời cho thí sinh, đặc biệt là từ ngày 22 đến 29/7, là giai đoạn thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng.

[Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Thi THPT sẽ giữ ổn định như hiện nay đến 2020]

Các trường cũng cần thực hiện đúng lộ trình kế hoạch tuyển sinh, như việc công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển trước ngày 22/7, công bố kết quả trúng tuyển đợt một chậm nhất ngày 19/8...

Tuyển sinh đại học 2019: Ngành nào có tỷ lệ chọi cao nhất? ảnh 5Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển đại học. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong công tác tuyển sinh, theo bà Phụng, hiện đề án tuyển sinh của một số trường chưa chính xác về số lượng giảng viên; thông tin về điểm nhận hồ sơ xét học bạ của một số ngành sức khỏe không rõ; một số trường vi phạm quy chế khi thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông… Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học yêu cầu các trường thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh.

Bà Phụng cho biết, Bộ sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên đã kiểm định của các trường để xã hội giám sát và để các trường giám sát lẫn nhau. Bộ cũng sẽ công bố công khai trên cổng thông tin của ngành toàn bộ danh sách thí sinh trúng tuyển năm 2018 và năm 2019. Việc này để các thí sinh tra xem mình có nằm trong danh sách trúng tuyển của trường không, liệu các trường có tuyển chui, tuyển lậu không?

“Từ trước tới nay vẫn quy định trường tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị trừ chỉ tiêu vào năm sau, nhưng từ năm nay theo quy định mới là trường sẽ không được tuyển sinh 5 năm. Càng tự chủ thì chế tài càng nặng, bị kiểm soát chặt chẽ và các trường phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm quy chế tuyển sinh,” bà Phụng nói.

Cũng theo bà Phụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thanh tra, giám sát công tác tuyển sinh của các trường và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục