Tuyển sinh các lớp đầu cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn căng thẳng

Với một đô thị lớn tập trung đông dân như Thành phố Hồ Chí Minh, việc đáp ứng nhu cầu học tập cho tất cả học sinh trên địa bàn là một áp lực rất lớn, nhất là việc tuyển sinh các lớp đầu cấp.
Thí sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Với một đô thị lớn tập trung đông dân như Thành phố Hồ Chí Minh, việc đáp ứng nhu cầu học tập cho tất cả học sinh trên địa bàn là một áp lực rất lớn, nhất là việc tuyển sinh các lớp đầu cấp.

Không chỉ phải đáp ứng đủ chỗ học, mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày cũng đang được ngành giáo dục thành phố nỗ lực thực hiện.

Căng thẳng kỳ thi lớp 10

Với chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có hàng chục ngàn học sinh lớp 9 không vào được lớp 10 công lập.

Do vậy, “cuộc đua” vào lớp 10 càng trở nên căng thẳng hơn. Vừa kết thúc kiểm tra cuối học kỳ 2, học sinh khối 9 trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng tốc ôn luyện, chạy nước rút cho kỳ thi tuyển sinh diễn ra vào đầu tháng 6 này.

Kế hoạch ôn tập của Trường Trung học Cơ sở Hoàng Văn Thụ được thực hiện từ đầu học kỳ 2 cho tới cuối tháng 5. Theo đó, ngay từ học kỳ 2, cùng với việc dạy học theo chương trình chung, trường triển khai cho giáo viên Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh khối 9 ôn tập cho học sinh.

[Tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019: TP.HCM đảm bảo đủ chỗ học]

Sau khi kết thúc học kỳ 2, các thầy cô cùng học sinh hệ thống lại kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài. Tương tự, ở nhiều trường trung học cơ sở khác cũng tăng tốc cho học sinh ôn tập từ giữa tháng 5 với lịch học được xây dựng phù hợp.

Ngoài việc học và ôn tập trên lớp, nhiều học sinh lại tiếp tục đến các trung tâm học thêm để tìm cho mình tấm vé vào lớp 10 tại trường mình mong muốn.

Đăng ký nguyện vọng những trường có điểm đầu vào vào tỷ lệ "chọi" khá cao nên em Hoàng Yến, Trường Trung học Cơ sở Minh Đức phải chuẩn bị rất kỹ và ra sức ôn luyện để đạt được kết quả mong muốn.

Ngoài học thêm môn Văn từ đầu hè vào lớp 9, các ngày cuối tuần em còn học thêm tiếng Anh tại trung tâm và Toán với gia sư.

Từ giữa năm học đến nay, lịch ôn luyện của em Bảo Huy, Trường Trung học cơ sở - Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh cũng dày đặc.

Vừa học hết giờ ôn tập môn Toán tại trường, em tiếp tục đến một cơ sở khác để học thêm môn Văn.

Theo Bảo Huy, các bạn đều đi học thêm và ôn luyện các bài tập nâng cao, giải các đề thi, em không thể yên tâm nếu không học thêm. Em cố gắng để có thể vào được trường đúng nguyện vọng.

Các chuyên gia cho rằng, học sinh cần có sự sắp xếp thời gian khoa học giữa học và chơi cho hợp lý. Những ngày cận ngày thi học sinh cần nghỉ ngơi, tránh học dồn, phụ huynh cũng cần động viên, khuyến khích tinh thần để các em không mệt mỏi.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cấu trúc đề thi năm nay không thay đổi, lối ra đề sẽ tiếp tục theo định hướng tăng cường tính thực tiễn, khuyến khích học sinh tư duy, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề.

Học sinh cần ôn tập kiến thức một cách hệ thống, nắm chắc kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề trong chương trình.

Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở, giảm dần tỷ lệ học sinh vào lớp 10 công lập và đến năm 2020 chỉ còn 60% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào lớp 10 công lập.

Lãnh đạo ngành Giáo dục khẳng định không thiếu chỗ học cho những học sinh không vào lớp 10 công lập.

Cụ thể, những trường hợp học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập, có thể lựa chọn học tập tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường ngoài công lập...

Xây trường đón học sinh lớp 1 và lớp 6

Ghi nhận tại nhiều quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều công trình trường, lớp đang được khẩn trương xây dựng và hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong năm học mới 2019-2020, đáp ứng chỗ học khi học sinh các lớp đầu cấp hàng năm tăng cao.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về kéo giảm sỹ số học sinh/lớp và tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày với nhiều quận, huyện vẫn còn rất khó khăn; nhất là vào năm học 2020-2021 khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới phải đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày.

Mỗi năm dân nhập cư đều tăng nhanh, giải pháp xây thêm trường chỉ đáp ứng chỗ học cho số học sinh tăng hàng năm chứ khó đáp ứng lớp học cho học sinh học 2 buổi/ngày.

Tại Quận 12, trong năm học tới có 11 công trình với 156 phòng học được đưa vào sử dụng. Trong đó có 4 trường mới xây dựng được đưa vào sử dụng gồm 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở.

Ngoài ra, quận có 6 công trình trường học được nâng cấp, cải tạo và tăng thêm quy mô tuyển sinh gồm 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở và 1 trường chuyên biệt.

Theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12, dự báo tình hình tuyển sinh đầu cấp năm nay “giảm nhiệt” so với năm trước, số học sinh tăng khoảng 8.000 em.

Theo đó, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở các trường tiểu học sẽ tăng nhưng không đáng kể (bậc tiểu học tăng 1,6%, đạt hơn 24% số học sinh học 2 buổi/ngày; bậc trung học cơ sở tăng từ 8% năm trước lên 20% học sinh học 2 buổi/ngày).

Cùng với đó việc kéo giảm sĩ số học sinh/lớp học vẫn chưa được giải quyết căn cơ. Do việc dự báo tình hình tăng dân số chưa “trúng” nên dù hàng năm quận dồn sức xây trường lớp kịp tiến độ theo quy hoạch đến 2020 đạt được 709 phòng học mới, nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Bởi theo dự báo đến năm 2020 quận có 450.000 dân, nhưng đến thời điểm hiện tại quận đã có 630.000 dân. Để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến học sinh tiểu học sẽ học thêm ngày thứ 7.

Còn quận Bình Tân năm học 2019-2020 sẽ có 2 trường mầm non mới và sửa chữa, nâng cấp tại một số trường học hiện hữu với tổng cộng 126 phòng học mới được đưa vào sử dụng.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, dự báo trong năm học tới quận tăng khoảng 7.000 học sinh tương đương năm học vừa qua, trong đó bậc tiểu học tăng khoảng 3.500 em, trung học cơ sở cũng tăng khoảng 3.500 em.

Số phòng học xây dựng thêm chỉ đủ giải quyết chỗ học cho số học sinh tăng cơ học. Dự kiến trong năm học tới, quận cũng không tổ chức bán trú cho học sinh lớp 1 (trừ các trường tiến tiến hiện đại) để dành phòng học thực hiện chủ trương giảm sĩ số học sinh/lớp. Do vậy, tỷ lệ học bán trú chỉ còn trên 30%.

Ông Ngô Văn Tuyên cũng cho rằng, mục tiêu đến 2020-2021 đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày rất khó đạt.

Trong khi chưa có giải pháp căn cơ cho vấn đề này, quận chỉ biết sử dụng đến giải pháp tình thế là giảm tỷ lệ tổ chức lớp bán trú để có phòng học. Nếu thực hiện đúng tiến độ quy hoạch đến năm 2020 quận có 100 điểm trường, sẽ đảm bảo các yêu cầu về trường lớp cho học sinh.

Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai xây dựng trường, lớp mới hàng năm nên chưa đạt được tiến độ đề ra.

Trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu phải đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân thành phố.

Trong đó, công tác tuyển sinh các lớp 1, 6 và bậc mầm non vẫn theo nguyên tắc phân tuyến địa bàn do các quận, huyện quy định.

Thành phố đảm bảo huy động 100% trẻ năm tuổi trong diện đi học đang cư trú trên địa bàn vào trường mầm non đúng tuyến; đồng thời, tăng dần tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường và tiếp tục tổ chức nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi.

Cùng với yêu cầu đảm bảo huy động 100% trẻ 6 tuổi trong diện đi học đang cư trú trên địa bàn vào học lớp 1 theo tuyến do quận, huyện quy định, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các trường không nhận học sinh học sớm tuổi, học sinh trái tuyến; phấn đấu thực hiện sỹ số lớp theo Điều lệ trường Tiểu học (35 học sinh/lớp).

Đồng thời thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, khuyến khích học sinh thi tuyển vào lớp 10 chọn nguyện vọng phù hợp với khả năng của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục