Tuyên Quang trục vớt thành công tàu cổ trên sông Lô

Tuyên Quang đã trục vớt thành công chiếc tàu cổ chở hàng hóa chìm trên sông Lô có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Sau hơn hai tháng tiến hành trục vớt, Ban quản lý Dự án trục vớt tàu đắm trên sông Lô, tỉnh Tuyên Quang đã trục vớt thành công chiếc tàu cổ chở hàng hóa chìm trên sông Lô có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Hiện chiếc tàu cổ này đã được đưa về Hồ Công viên cây xanh (thành phố Tuyên Quang) để Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang trưng bày và bảo quản lâu dài, phục vụ nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách.

Theo báo cáo sơ bộ về kết quả trục vớt của Ban quản lý Dự án trục vớt tàu đắm trên sông Lô, tỉnh Tuyên Quang, chiếc tàu có chiều dài 41m, rộng 8,8m, cao 1,9m, phía ngoài tàu được bọc bằng lá đồng mỏng; tàu có tám khoang (một số tấm chắn khoang đã bị vỡ, mất); toàn bộ máy móc trong tàu không còn.

Tàu bị gãy chia làm hai phần nhưng xương tàu (xương cái) còn nguyên vẹn. Ngoài ra, trong quá trình khảo sát và trục vớt còn thu được 477 hiện vật của tàu, trong đó có một số hiện vật đáng chú ý như năm chiếc đèn dầu hỏa bằng đồng, bóng thủy tinh, một chiếc đồng hồ nước bằng sắt; 200kg than đá…

Ông Đào Đăng Cường, cán bộ Sở Xây dựng Tuyên Quang, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án trục vớt tàu đắm trên sông Lô, tỉnh Tuyên Quang cho biết do chiếc tàu bị chìm và bị bùn, cát sỏi vùi lấp sâu 3m nên lực lượng trục vớt đã phải dùng máy thổi, hút toàn bộ bùn, cát, sỏi khu vực tàu chìm. Cùng với đó, để đảm bảo việc kéo tàu lên bờ không bị vỡ, lực lượng trục vớt đã phải hàn khung sắt xung quanh tàu, rồi gắn bánh xe để việc vận chuyển được thuận lợi…

Chiếc tàu chìm này được phát hiện năm 2012 cách bờ sông Lô (địa phận thôn Phúc Lộc, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang) khoảng 15m.

Theo kết quả giám định của Hội đồng giám định cổ vật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đây là chiếc tàu vận tải chở hàng bằng gỗ bọc đồng, chạy bằng hơi nước có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một số đèn chiếu sáng của tàu được sản xuất tại Anh và Đức. Con tàu này liên quan tới cuộc khai thác thuộc địa của Pháp lần thứ nhất hoặc có liên quan đến giai đoạn kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Tuyên Quang.

Loại tàu này hiện còn rất hiếm ở Việt Nam và trên thế giới, có giá trị nhiều mặt trong việc nghiên cứu về lịch sử ngành đóng tàu, loại hình tàu, cũng như về văn hóa, lịch sử giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục