Tuyên Quang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII thông qua Nghị quyết với mục tiêu đến năm 2025, Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sau ba ngày làm việc, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, chiều 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.

Đại hội đã thảo luận sôi nổi, dân chủ và nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVI, Nghị quyết của Đại hội; Thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Đại hội đã thảo luận chương trình hành động, giao cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII tiếp thu ý kiến của Đại hội hoàn chỉnh, ban hành và tổ chức thực hiện.

Đại hội nhất trí cao với đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực, xác định nguyên nhân và rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Đại hội phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong nhiệm kỳ tới và xác định mục tiêu: “đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.”

[Ông Chẩu Văn Lâm tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang]

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa mới gồm 48 đồng chí; Đoàn đại biểu dự Đại hội  XIII của Đảng gồm 18 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.

Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và bà Lê Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 10 đồng chí.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Phát biểu bế mạc Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh: Ngay sau Đại hội, tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh cần làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng tới đảng viên và các tầng lớp nhân dân về kết quả của Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Trước mắt, thi đua phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020; lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội XIII của Đảng.

Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm và 15 chỉ tiêu chủ yếu. Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt trên 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 5 năm đạt 8%; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm đạt 4%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 5 năm đạt 4%.

Tỉnh giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2025 có 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu hút 2,6 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 4.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-2,5%/năm; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ của rừng trên 65%; 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế...

Bên cạnh thực hiện tốt các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng xây dựng Đảng về tổ chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới và nâng cao công tác dân vận; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục