Tuyên Quang: Một người dân ở huyện Yên Sơn thiệt mạng do sạt lở đất

Ông Nguyễn Hữu Thắng, sinh năm 1936, thôn Tân Bình, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, đã bị đất đá từ mái taluy dương sạt lở xuống vùi lấp.
Khắc phục sạt lở đất tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn. (Ảnh: TTXVN phát)

Vào khoảng 15 giờ 30 ngày 31/7, trong lúc đang đi tìm đồ dùng của gia đình ở phía sau nhà, ông Nguyễn Hữu Thắng (sinh năm 1936, thôn Tân Bình, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã bị đất đá từ mái taluy dương sạt lở xuống vùi lấp.

Gia đình ông Thắng đã thuê máy xúc và phối hợp với lực lượng dân quân của xã Đội Bình đào bới tìm kiếm, đến khoảng 18 giờ cùng ngày, gia đình tìm thấy ông Nguyễn Hữu Thắng đã tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Ủy ban Nhân dân xã Đội Bình đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ của xã phối hợp với gia đình tìm kiếm thi thể và đưa nạn nhân về nhà để tổ chức tang lễ. Ủy ban Nhân dân huyện Yên Sơn đã động viên, thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người chết do sạt lở đất với tổng kinh phí 23,4 triệu đồng.

Trong các ngày 30 và 31/7, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến từ 30-80mm, một số nơi có mưa rất to như: xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn) 113mm; xã Hoàng Khai (huyện Yên Sơn) 103mm; xã Hùng Mỹ (huyện Chiêm Hóa) 101mm; xã Phúc Sơn (huyện Lâm Bình) 102mm... Mưa to kéo dài đã gây ra ngập úng vùng trũng thấp, ven sông, suối trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

Mưa lớn cũng làm 60 ngôi nhà bị ảnh hưởng, sạt lở 881m3 đường giao thông liên xã, 11 cầu tràn bị ngập, 130m mương thủy lợi bị hư hỏng, hơn 846ha lúa và hơn 468ha rau màu bị ảnh hưởng, 21 cột điện bị đổ gãy… ước tính thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.

Trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã yêu cầu các địa phương khẩn trương ứng phó, khắc phục thiệt hại. Theo đó, các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ và thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh có hiệu quả.

Các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tổ chức di dời ngay đối với những hộ dân đang sinh sống tại nơi có nguy cơ cao đến nơi an toàn; đặc biệt là các hộ gia đình đang sinh sống ở khu vực có ta luy dương cao gần nhà ở, khu vực ven sông, ven suối...

Các địa phương thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ và 3 sẵn sàng" trong phòng, chống thiên tai; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để xử lý khi có tình huống thiên tai xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục đường chính và đảm bảo an toàn đối với các khu khai thác khoáng sản, công trình đang thi công, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.

Đơn vị chức năng đảm bảo an toàn đê, kè, nhất là vị trí xung yếu hoặc đang thi công, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra./,

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục