Tuyên Quang, Huế, Đà Nẵng điều chỉnh các cấp độ, biện pháp chống dịch

Để chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên địa bàn, Tuyên Quang và Thừa Thiên-Huế quyết định điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch, Đà Nẵng nâng cấp độ dịch tại một số nơi.
Tiêm vaccine COVID-19 tại Tuyên Quang. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Để chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên địa bàn, Tuyên Quang và Thừa Thiên-Huế quyết định điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch, Đà Nẵng nâng cấp độ dịch tại một số nơi.

Tuyên Quang: Điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Thực hiện một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản về việc chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh điều chỉnh một số biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn từ 12 giờ ngày 12/11.

Cụ thể, tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động 5 chốt kiểm soát dịch liên ngành (tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh). Về điều kiện đi qua các chốt kiểm soát dịch, đối với người đến lưu trú, trở về từ các vùng có mức độ nguy cơ thấp-cấp độ 1 (vùng xanh) và nguy cơ trung bình-cấp độ 2 (vùng vàng) thực hiện khai báo y tế, không bắt buộc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đối với người đến lưu trú, trở về từ các vùng có mức độ nguy cơ cao-cấp độ 3 (vùng cam) và nguy cơ rất cao-cấp độ 4 (vùng đỏ) thực hiện khai báo y tế và có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) trong thời hạn 72 giờ.

[Thống kê hỗ trợ các hộ dân: Quận Liên Chiểu thừa nhận thiếu sót]

Trường hợp người qua chốt có các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng nghi ngờ, phải được thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại chốt kiểm soát dịch, kể cả khi đã có giấy xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ.

Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác quản lý địa bàn ở cơ sở bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, quản lý chặt chẽ người đi, đến, về địa phương từ các vùng có dịch, vùng có nguy cơ, người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh; phát huy vai trò các tổ giám sát COVID cộng đồng để phát hiện ngay, yêu cầu khai báo y tế, cách ly, xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, đúng quy định; kiên quyết ngăn chặn không để dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Số lượt người được tiêm vaccine tính đến ngày 12/11 tại tỉnh Tuyên Quang là 472.781 người, trong đó tiêm đủ 2 mũi là 60.805 người (đạt 11,1%), số lượt người tiêm mũi 1 là  411.976 người.

Từ ngày 13/11, Thừa Thiên-Huế dạy học trực tuyến

Từ 0 giờ ngày 13/11, các trường học trên địa bàn thành phố Huế sẽ không tập trung học sinh đến trường mà thực hiện dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Các trường học tại các huyện, thị xã tiếp tục duy trì việc dạy học trực tiếp. Những địa bàn có yếu tố dịch tễ nguy cơ cao hoặc các trường học có F0: xem xét các yếu tố dịch tễ, tổ chức kết hợp dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến.

Các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người phải tạm dừng không cần thiết. Trường hợp thực sự cấp thiết phải tổ chức, do người đứng đầu đơn vị, địa phương quyết định và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh; chỉ được bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong hội trường, phòng họp và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch như: thực hiện giãn cách tối thiểu 1m, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khử khuẩn, quét mã QR code.

Các hoạt động tập trung quá 20 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện hay các nhà hàng, quán ăn, trạm dừng, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm (Hầm Hải Vân-Cầu vượt Thủy Phù tại Km 842-đường tránh Huế-vòng xuyến vào phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà-địa giới tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, xông hơi, cơ sở thẩm mỹ/spa, game online, rạp chiếu phim, Pub beer; hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; các giải thi đấu thể thao; các hoạt động thể thao trong nhà (phòng tập gym, yoga, zumba...); các bãi tắm biển công cộng, bãi tắm sông, suối, bể bơi đều được yêu cầu tạm dừng hoạt động, tổ chức.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán cafe...) được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo thực hiện đồng thời các biện pháp an toàn phòng dịch: giãn cách tối thiểu 2 mét giữa các bàn, quét mã QR code cho tất cả các khách hàng đến giao dịch, ăn uống; phục vụ không quá 50% công suất và không quá 20 khách hàng trong cùng một thời điểm.

Tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng được tổ chức nhưng phải đảm bảo thực hiện theo quy định phòng, chống dịch, giãn cách tối thiểu 2 mét giữa các bàn, quét mã QR code, tối đa không quá 50% công suất phục vụ và không quá 30 người.

Hoạt động tham quan các di tích lịch sử, văn hóa; bảo tàng, thư viện; các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh chỉ đón tiếp, phục vụ các đoàn tham quan không quá 20 người/đoàn đối với hoạt động ngoài trời và không quá 10 người/đoàn trong cùng một thời điểm đối với hoạt động trong nhà, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

Hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời được hoạt động nhưng phải đảm bảo thực hiện theo quy định phòng, chống dịch và không quá 20 người trong cùng một thời điểm.

Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự được hoạt động nhưng không quá 20 người và không quá 50% công suất.

Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng được phép hoạt động nhưng không quá 50% công suất và không quá 20 khách hàng trong cùng một thời điểm. Các nhà nghỉ, nhà trọ, homestay được phép hoạt động nhưng không quá 50% công suất.

Hoạt động siêu thị, chợ truyền thống được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch. Tất cả người dân vào siêu thị, chợ phải quét mã QR code.

Các hoạt động vận chuyển hành khách nội tỉnh, liên tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và văn bản triển khai của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện, hoàn thành các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thị xã Hương Trà để sẵn sàng kích hoạt khi cần thiết.

Hai cơ sở được lựa chọn làm nơi thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng là Công ty Cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam (Khu Công nghiệp Tứ Hạ) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Bảo Thành (phường Tứ Hạ).

Trong đó, cơ sở Công ty Cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam có thể triển khai xây dựng khu thu dung và điều trị khoảng 600 giường bệnh và tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Bảo Thành khoảng 300 giường. Dự kiến, hai cơ sở này sẽ được đưa vào hoạt động chậm nhất vào ngày 19/11.

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh đã ghi nhận gần 1.500 trường hợp nhiễm bệnh, số lượng ca mắc trong cộng đồng tiếp tục gia tăng trong những ngày gần đây.

Một số điểm “nóng” của tỉnh Thừa Thiên-Huế về tình hình dịch COVID-19 là phường Vỹ Dạ, Hương Phong (thành phố Huế); thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc); xã Điền Lộc (huyện Phong Điền) và xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền). Đây là những địa phương “vùng đỏ” cấp độ dịch cấp 4 nguy cơ rất cao.

Nâng cấp độ dịch lên cấp 3 tại hai phường ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng)

Chiều 12/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch.

Chốt kiểm soát tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). (Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN)


Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cho biết, tính từ 13 giờ ngày 11/11 đến 13 giờ ngày 12/11, thành phố ghi nhận 34 ca mắc COVID-19; trong đó, 11 ca cách ly tập trung, 13 ca cách ly tại nhà, hai ca trong khu phong tỏa, hai ca tại chốt kiểm dịch cửa ngõ và 6 ca trong cộng đồng.

3/7 quận, huyện ghi nhận ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng: quận Sơn Trà (13 ca), quận Hải Châu (6 ca), quận Liên Chiểu ( một ca).

Tính từ ngày 16/10 đến nay, thành phố ghi nhận 242 ca mắc COVID-19, trong đó 41 ca về từ ngoại tỉnh. Trong ngày 12/11, ngành Y tế tổ chức xét nghiệm 9.998 lượt lượt người; điều trị 186 bệnh nhân, 3 bệnh nhân khỏi bệnh.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã tiêm 1.294.719 liều, trong đó 903.275 người tiêm mũi 1 và 391.444 người tiêm mũi 2.

Phát biểu kết luận, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho hay, trong ngày 12/11, thành phố ghi nhận 21 ca mắc COVID-19 có khả năng lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó, chốt kiểm soát dịch phát hiện hai ca từ ngoại tỉnh vào thành phố. Do đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần kiểm soát chặt người về từ vùng dịch, để phát hiện sớm ca mắc.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, mặc dù phát hiện nhiều ca mắc nhưng mức độ lây nhiễm vẫn trong tầm kiểm soát của thành phố. Tuy nhiên, các địa phương không nên chủ quan và phải thực hiện tốt Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục xét nghiệm đại diện hộ gia đình nhằm đánh giá tình hình dịch trên địa bàn.

Về việc chuyển cấp độ, theo bà Ngô Thị Kim Yến, Ủy ban Nhân dân thành phố đã thống nhất việc chuyển cấp độ với hai phường Nại Hiên Đông và An Hải Bắc (quận Sơn Trà) từ cấp độ 2 lên cấp độ 3. Hiện 54/56 phường, xã còn lại vẫn đang ở cấp độ 2.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cần chuẩn bị mọi mặt để khi chuyển cấp độ được nhuần nhuyễn. Sở Y tế hỗ trợ với hai phường này về các nội dung trong chuyển cấp độ. Các địa phương khác phải theo dõi tình hình ở hai phường này để chuẩn bị biện pháp ứng phó khi tình hình dịch phức tạp.

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các địa thực hiện tốt công tác tiêm trả mũi 2. Ngành Y tế chuẩn bị kế hoạch cho việc tiêm vaccine cho học sinh cấp trung học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục