Tuyên Quang: Dân 'khát' bên công trình nước sạch tiền tỷ

Việc khảo sát vị trí xây dựng không có nguồn nước phù hợp, cách quản lý vận hành yếu kém, khiến một số công trình nước sạch tại nông thôn không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn.
Không có nước sạch, người dân phải đào giếng hoặc đầu tư ống nước kéo nước từ sâu trong núi về sử dụng. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Không có nước sạch, người dân phải đào giếng hoặc đầu tư ống nước kéo nước từ sâu trong núi về sử dụng. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn ở Tuyên Quang được Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng.

Tuy nhiên, việc khảo sát vị trí xây dựng không có nguồn nước phù hợp, cách quản lý vận hành yếu kém, khiến một số công trình nước sạch không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn 10 Minh Tiến, xã Minh Hương huyện Hàm Yên, do Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 1,3 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào cuối năm 2016.

Theo thiết kế khi hoàn thành, công trình sẽ cung cấp nước sạch cho 87 hộ dân thôn 7 và thôn 10 Minh Tiến.

Năm 2017, công trình hoàn thành nhưng niềm vui có nước sạch của bà con nơi đây chỉ kéo dài được hơn 1 tháng, bởi công trình này thường xuyên không có nước. Sau nhiều lần sửa chữa, từ cuối năm 2018, công trình đã ngừng hoạt động.

Anh Lý Văn Mã ở thôn 10 Minh Tiến cho biết, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư công trình nước sạch cho thôn. Theo đó, các hộ dân trong thôn đều được lắp đặt đồng hồ nước và đường ống dẫn nước về đến tận nhà. Nhưng chỉ được hơn 1 tháng, công trình phải ngừng hoạt động vì không có nước.

Bây giờ, gia đình anh phải dùng nước giếng nhưng cũng không đủ dùng. Vì vậy, anh Mã mong muốn Nhà nước sớm sửa chữa, để người dân có nước sạch sử dụng.

Chị Lý Thị Vinh ở thôn 10 Minh Tiến cho biết thêm, nhà chị ở gần nguồn nước nhưng chỉ vào những ngày mưa mới có nước, còn ngày nắng lại không có nước. Những lúc nước về lại có màu vàng và mùi hôi, gia đình chị không dám dùng. Để đảm bảo cuộc sống, gia đình chị phải xin nước giếng nhà hàng xóm về sử dụng hàng ngày.

Một số gia đình có điều kiện đã đào giếng hoặc bắt ống nước sâu trong núi về sử dụng. Sống ngay gần công trình nước sạch tiền tỷ nhưng người dân vẫn phải dẫn nước từ khe suối về để sinh hoạt khiến nhiều người bức xúc.

Ông Hoàng Văn Trường, Trưởng thôn 7 Minh Tiến, cho biết sau khi xây dựng xong, công trình nước sạch đã được bàn giao cho thôn quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, sau hai lần sửa chữa, đến nay, công trình đã ngừng hoạt động.

Nguyên nhân do ngay từ khâu khảo sát đã không tính toán trữ lượng nguồn nước, sau một thời gian ngắn khai thác và sử dụng, nguồn nước bị suy giảm, thiếu hụt làm công trình ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành sau đầu tư còn yếu kém, chưa được quan tâm.

Tuyên Quang: Dân 'khát' bên công trình nước sạch tiền tỷ ảnh 1Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn 10 Minh Tiến sau khi sử dụng hơn 1 tháng đã ngừng hoạt động. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Công trình cấp nước tập trung ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa hầu như không thu được tiền nước nên không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.

Nhân dân mong muốn chính quyền cấp trên sớm sửa chữa, tìm được nguồn nước, để bà con có nước sạch sử dụng tránh lãng phí.

Theo Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hàm Yên Ma Văn Liên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình không sử dụng được là do tổ quản lý ở xã hoạt động không hiệu quả. Công trình nước sạch tập trung ở Minh Hương sau khi hoàn thành đã được bàn giao cho Ủy ban Nhân dân xã bảo vệ và khai thác.

Hiện nay, đơn vị cũng chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa công trình này. Thời gian tới, đối với các công trình nước sạch tập trung ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đơn vị sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kiện toàn lại các đội quản lý vận hành, quy chế hoạt động; đồng thời, kêu gọi nguồn quỹ để duy tu bảo dưỡng thường xuyên cho công trình hoạt động có hiệu quả.

Công trình nước sạch nông thôn là hạ tầng quan trọng, cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, nghịch lý người dân “khát” bên công trình nước sạch tiền tỷ vẫn diễn ra và nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước kém hiệu quả nhưng không có đơn vị nào phải chịu trách nhiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục