Tuyên Quang: 83% người dân nông thôn có nước hợp vệ sinh

Trong những năm qua, ngành y tế tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thay đổi hành vi vệ sinh nông thôn giai đoạn 2016-2020.
Học sinh rửa tay tại trường học. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Trong những năm qua, ngành y tế tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thay đổi hành vi vệ sinh nông thôn giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Sở Y tế Tuyên Quang đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh chủ trì hợp phần vệ sinh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2016.

[Năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử]

Theo đó, các Trung tâm Y tế huyện duy trì hoạt động tuyên truyền, tổ chức tập huấn vận động hướng dẫn nhân dân các mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tiêu mẫu cho một số hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách...

Cùng với nhân dân tự bỏ vốn xây dựng, hàng năm Tuyên Quang có khoảng 1.500 nhà tiêu được xây mới, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân khu vực nông thôn của tỉnh.

Trong các trường học, Tuyên Quang đã triển khai phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: chương trình kiên cố hóa, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010, nguồn nước sạch và các công trình vệ sinh trong các trường học đã được cải thiện đáng kể.

Nguồn nước chủ yếu của các trường là nước máy hoặc giếng khoan, có nơi ở khe suối (nước lần). Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh của các trường, đặc biệt là các trường và điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.

Theo báo cáo của các huyện, hiện nay Tuyên Quang có tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83% (trong đó tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành đạt 47%).

Đối với nhà tiêu hiện tại,có 142.407 hộ có nhà tiêu trong đó tỷ lệ số hộ có nhà tiêu hai ngăn: 11%; nhà tiêu tự hoại: 47%; nhà tiêu 01 ngăn: 22%; nhà tiêu thấm dội nước: 4,48% còn lại là các nhà tiêu khác. Tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh: 38%.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã không đồng đều. Hiện tại có 71,6% số xã có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh dưới 65%. Đặc biệt, còn một số xã có số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh dưới 30% như: Xã Vân Sơn (19.9%), Chi Thiết 12,8%, Phúc Sơn (20,1%), Tân An (22,3%) nên không tránh khỏi việc phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Nhà vệ sinh tại một trường học tại huyện miền núi. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Tỷ lệ các trường và điểm trường có công trình nước sạnh và nhà tiêu hợp vệ sinh trong toàn tỉnh còn thấp, đặc biệt ở vùng ở vùng nông thôn. Số liệu cụ thể ở vùng nông thôn như sau: Tỷ lệ điểm trường (kể cả điểm chính) có nguồn nước hợp vệ sinh chia theo cấp học: Cấp học mầm non có 76,8%; tiểu học có 42%; Trung học cơ sở có 93%. Tỷ lệ điểm trường (kể cả điểm chính) có nhà tiêu hợp vệ sinh chia theo cấp học: Cấp học mầm non có 85,2%; tiểu học có 53,2%; Trung học cơ sở có 65,5%.

Trong chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả đầu ra giai đoạn 2016-2020, Tuyên Quang đã dự kiến lựa chọn ra 45 xã (trong 4 huyện) để phấn đấu đạt được danh hiệu vệ sinh toàn xã. 

Qua kiểm tra đối chiếu thực tế và báo cáo của các huyện, loại nhà tiêu khô không có tính bền vững cao và khó đảm bảo hợp vệ sinh theo chuẩn của Bộ Y tế. Do đó, Sở Y tế tập trung chỉ đạo tuyên truyền vận người dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu thấm dội nước và nhà tiêu tự hoại. Với nhà tiêu khô chỉ thực hiện ở những nơi khó khăn về nguồn nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục