Sau nhiều ngày nghị án, sáng 25/10, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã tuyên án sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi xảy ra tại Hội đồng thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang.
Tại phiên xử, Chủ tọa phiên tòa điểm danh 5 bị cáo, nhân chứng cùng những người liên quan và đọc bản luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang. Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, lời khai của bị cáo và người liên quan, Hội đồng xét xử nhận định đủ căn cứ tuyên phạt 5 bị cáo phạm 3 tội danh như truy tố.
Cụ thể, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, thời hạn tù tính từ ngày 23/7/2018.
Bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) nhận mức án 7 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, thời hạn tù tính từ ngày 20/7/2018.
Bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) 2 năm về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 358, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Phó Đội trưởng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) bị tuyên phạt 2 năm tù về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 366, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 366, Bộ luật Hình sự 2015; giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) giám sát.
[Gian lận điểm thi ở Hà Giang: Đề nghị mức án 17-20 năm với các bị cáo]
Ngoài ra, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang giữ lại toàn bộ bài thi, tài liệu thi năm 2017 để Cơ quan điều tra làm rõ. Do vụ việc xảy ra tại Hà Giang, để đảm bảo khách quan, Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an điều tra làm rõ những hành vi đưa nhận tiền giữa các phụ huynh và các bị cáo trong vụ án để làm rõ có vụ lợi hay không.
Theo danh sách công bố kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 318 bài thi của 114 thí sinh đã được nâng điểm. Trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Hà Giang) kết luận bị cáo Vũ Trọng Lương đã tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi các môn được nâng điểm. Thí sinh được nâng cao nhất là 29,95 điểm 4 môn trắc nghiệm (Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ); thí sinh được nâng ít nhất là 2,2 điểm. Quá trình can thiệp nâng điểm cho các thí sinh môn trắc nghiệm xác định chỉ một mình Vũ Trọng Lương thực hiện.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm mất đi tính công bằng trong xã hội. Các bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có nhiều năm công tác trong ngành, am hiểu các quy định của ngành… nhưng vì nể nang bạn bè, người thân, đồng nghiệp nên đã thực hiện hành vi phạm tội, để kỳ thi diễn ra không còn khách quan, nghiêm túc, công bằng. Việc đưa vụ án ra xét xử góp phần răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra./.