Italy đã không thể tới World Cup lần đầu tiên sau 60 năm. Vực thẳm? Đội tuyển Italy giờ đã ở dưới. Câu hỏi hiện tại nên là: bây giờ phải làm gì?
Tiếng vọng lịch sử
Bóng đá Italy có hai cột mốc đánh dấu những cuộc cách mạng về mặt tư tưởng lẫn hành động ở cấp cao nhất. Đó đều xuất phát từ những thất bại nhục nhã của đội tuyển Italy.
Năm 1957, Azzurri của Alfredo Foni thua Bắc Ireland trong lượt đấu cuối cùng vòng loại World Cup 1958 khu vực châu Âu. Foni là một nhà cầm quân nổi tiếng với tư tưởng phòng ngự khi đưa Inter giành 2 Scudetto vào các năm 1953, 1954 với biểu tượng Ivano Blason ở vị trí libero (người nổi tiếng với hành động gạch một đường kẻ ngang trước mặt và nói ai bước qua sẽ bị xoạc gãy chân).
Tuy nhiên dưới áp lực của dư luận Italy khi đó đòi hỏi thứ bóng đá tấn công, Foni đã bị dao động để rồi thay đổi triết lý của mình tại Azzurri. Kết quả: Italy vắng mặt tại World Cup.
Thất bại này đánh dấu sự thắng thế của bóng đá phòng ngự tại đất nước hình chiếc ủng. Kể từ đó không ai muốn tin rằng Italy cần phải chơi tấn công để thành công nữa, và đội tuyển Italy chỉ có đúng một thứ triết lý duy nhất: phòng ngự.
Từ năm 1950-1970, số bàn thắng tại giải vô địch quốc gia Italy giảm 30%. Có rất ít câu lạc bộ dám đứng ra đi ngược lại tôn chỉ phòng ngự. Đó thường là những câu lạc bộ nhỏ (Terana, Napoli) và luôn phải nhận thất bại.
[Đội tuyển Italy chính thức lỡ hẹn vòng chung kết World Cup 2018]
Dù tuyển Italy không gặt hái được thành công sau cải cách này nhưng các câu lạc bộ tại Italy lại được hưởng lợi. AC Milan với Nereo Rocco huyền thoại trên ghế chỉ đạo đã trở thành câu lạc bộ Italy đầu tiên vô địch cúp C1 châu Âu vào năm 1963 nhờ hệ thống phòng ngự trứ danh. Inter Milan cùng Helenio Herrera với Catenaccio giành hai chức vô địch cúp C1 châu Âu ngay sau đó.
Tới giờ, đây vẫn là kỷ lục của bóng đá thế giới, không có một thành phố nào tại châu Âu giữ cúp C1 hay Champions League sau này trong ba mùa liên tiếp như Milan.
World Cup 1966, Italy tới Anh với tham vọng vô địch khi trong đội hình họ sở hữu dàn sao của Milan cũng như Inter. Nhưng thất bại nhục nhã 0-1 trước CHDCND Triều Tiên tại vòng bảng (và bị loại sau đó) đã đánh dấu cột mốc thứ hai để người Italy thực hiện những sự thay đổi triệt để hơn.
Sau kỳ World Cup 1966, Liên đoàn bóng đá Italy đưa ra luật chỉ 3 cầu thủ nước ngoài được thi đấu trong đội hình ra sân của một câu lạc bộ tại Serie A. Những cầu thủ Italy phải được ưu tiên sử dụng.
Chính sách này đã buộc các câu lạc bộ tại Italy phải sử dụng nguồn lực nội địa từ các lò đào tạo trẻ. Nếu như 9 năm trước là cuộc cách mạng về mặt tư tưởng thì lúc đó người Italy bắt tay vào hành động. Kết quả: EURO 1968, Italy lên ngôi vô địch. World Cup 1970, Azzurri lọt vào chung kết và chỉ chịu thua Brazil của Pele.
Quay trở lại hiện tại, việc Italy không thể tới World Cup liệu có thể tạo ra một cuộc cách mạng như trong quá khứ hay không?
Dưới đáy vực
Italy có đến mức quá thiếu vắng cầu thủ giỏi không? Câu trả lời là không. Có đến mức quá thiếu huấn luyện viên giỏi không? Câu trả lời là không.
Vậy nếu cứ bổ nhiệm một huấn luyện viên giỏi lên băng ghế chỉ đạo thì sẽ giải quyết được vấn đề? Câu trả lời vẫn là không.
Vấn đề của người Italy giờ nằm ở quá nhiều mặt, bộ máy lãnh đạo, sân bãi, lò đào tạo trẻ... Demetrio Albertini, người nhìn ra những điều mà Italy cần phải làm để giữ vị trí ông lớn trong làng bóng đá thế giới đã thất bại trước Carlo Tavecchio, một biểu tượng cho sự thủ cựu của nền bóng đá Italy, trong cuộc tranh cử cho vị trí chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italy cách đây vài năm.
Chính Tavecchio đã bổ nhiệm Ventura lên ghế huấn luyện viên trưởng và gia hạn hợp đồng đến tận năm 2020 cho chiến lược gia kém cỏi này. Chừng nào Tavecchio còn ngồi trên ghế chủ tịch FIGC, chừng đó Italy còn không trở lại.
Thứ hai, lò đào tạo trẻ. Kế hoạch tạo ra một giải đấu cho những đội hình hai của các đội bóng lớn đã thất bại cùng Albertini. Đây là phương án được La Liga triển khai từ rất lâu. Và hãy nhìn xem Tây Ban Nha đứng ở đâu trên bản đổ bóng đá thế giới hiện tại. Họ không chỉ mạnh mà còn sở hữu tính kế thừa khủng khiếp.
Đó là điều mà Italy không có. Sức ép của vinh quang buộc những câu lạc bộ Italy chọn các phương án an toàn là các cầu thủ thành danh hơn là đặt niềm tin vào lớp trẻ.
Thứ ba, sân bãi. San Siro, thánh địa của tuyển Italy chính là một ví dụ cho thấy sự xuống cấp của nền bóng xứ sở mỳ ống. Lần cuối cùng San Siro tu sửa là trước khi chuẩn bị cho trận chung kết Champions League 2016.
Trong một chuyến du lịch cá nhân, một người bạn của người viết đã chia sẻ San Siro là sân đấu tệ nhất anh ta từng đặt chân tới.
Không chỉ bởi hệ thống vệ sinh bốc mùi, những khán đàn xuống cấp, và đặc biệt, bẩn; mà còn bởi tham quan San Siro sẽ mất một khoản gấp đôi các sân bình thường tại Tây Ban Nha hay Pháp vì phải trả tiền cho cả chính quyền thành phố (tiền vào sân thăm khán đài, sân đấu...) và cả câu lạc bộ (tiền thăm phòng truyền thống Inter hoặc Milan).
Trung bình để thăm một tour trọn vẹn sân San Siro, du khách sẽ tốn khoảng hơn 30 euro. Trong khi đi thăm Santiago Bernabeu của Real Madrid chỉ mất 15 euro nhưng được tận hưởng dịch vụ gần như hoàn hảo.
Không phải ngẫu nhiên mà Serie A đi xuống quá nhanh trong suốt hơn một thập kỷ qua dù vào giữa thập niên 90 đặt Real Madrid hay Barcelona cạnh Milan hay Juventus, đa số cổ động viên sẽ chọn hai đại gia của xứ sở mỳ ống.
Gigi Buffon sau thất bại trước Thụy Điển nói rằng Italy không thiếu tài năng, sự kiên định và tự tin để trở lại trong tương lai. Buffon nói đúng, nhưng từ lời nói đến hành động là một khoảng cách không dễ để thu hẹp trong ngày một ngày hai.
Dưới đáy vực, chúng ta có thể làm gì? Những người từng thất bại có lẽ hiểu điều này hơn ai hết. Một là leo lên và làm lại từ đầu. Hai là chấp nhận thất bại để rồi bị lãng quên.
Như nhân vật Batman-Bruce Wayne (Christian Bale thủ vai) trong triology The Dark Knight của đạo diễn Christopher Nolan bị ném xuống dưới ngục sâu trong tình trạng bị thương nặng.
Batman khi đó đã từ từ chữa lành vết thương, lấy lại thể lực trước khi nỗ lực hết mình để trèo ngược ra ngoài. Trước khi tung cú nhảy phi thường để nhìn thấy lại ánh mặt trời, không rõ Batman đã nhảy hụt bao lần. Dưới đáy vực, không ai buồn để ý chúng ta làm gì. Nhục nhã đấy, thất vọng đấy, nhưng đó cũng là thời cơ để chuẩn bị cho ngày trở lại hoành tráng.
Vậy thì Italy, bao giờ để thấy lại ánh mặt trời?