Tuyên dương 90 điển hình “Dân vận khéo” trong Quân đội

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, công tác dân vận luôn được xác định là nhân tố quan trọng, góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Tuyên dương 90 điển hình “Dân vận khéo” trong Quân đội ảnh 1Trao tặng bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 11/10, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị điển hình “Dân vận khéo” của Quân đội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, giai đoạn 2013-2018.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự có Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Hội nghị nhằm ghi nhận, tôn vinh thành tích tiêu biểu xuất sắc của các tập thể, cá nhân qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo,” đồng thời phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng điển hình trong toàn quân.

Thông tin về kết quả thực hiện phong trào giai đoạn 2013-2018, Thiếu tướng Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Quân đội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo thời gian qua đã được triển khai sâu rộng, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; giữ vững và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tô thắm truyền thống, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo.

Bên cạnh việc phát huy truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong trào “Dân vận khéo” còn đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tham gia phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo; giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo.

[6 nhiệm vụ trong công tác dân vận các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc]

Thông qua phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có sức lan tỏa sâu rộng, phát động được phong trào quần chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tiêu biểu như hoạt động “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo” của các quân khu, quân đoàn, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo,” “Vận động đồng bào giáo dân thực hiện tốt chính sách dân tộc,” “Tiếng kẻng vùng biên”…

Trong 5 năm, các đoàn kinh tế-quốc phòng đã tiếp nhận 17.800 hộ dân với 128.000 nhân khẩu đến lập nghiệp; tạo việc làm cho 133.205 người, tổ chức kết nghĩa 3.900 hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc, bố trí định cư cho 370 hộ người Mông di cư từ phía Bắc vào địa bàn Tây Nguyên; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng triệu lượt người.

Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu 2.918 học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình “Nâng bước em tới trường”...

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, công tác dân vận luôn được xác định là nhân tố quan trọng, góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc và là một trong những nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, đồng bào các dân tộc vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa, đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết và có những đóng góp rất to lớn vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Quân đội Việt Nam luôn thể hiện sự gắn bó với nhân dân, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác dân vận đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đánh giá cao những hiệu quả thiết thực đem lại qua quá trình thực hiện phong trào “Dân vận khéo” của toàn quân trong giai đoạn 2013-2018, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng, cấp ủy, chỉ huy các cấp và cơ quan, đơn vị các cấp cần tiếp tục nhận thức rõ và triển khai quyết liệt, tích cực nhiệm vụ dân vận; đổi mới công tác dân vận, trong đó chú trọng tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tốt, khẳng định hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong tình hình mới.

Trước những khó khăn, thách thức khó lường trong thời gian tới, Đại tướng Ngô Xuân Lịch lưu ý, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần lãnh đạo tổ chức tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, lực lượng những người làm công tác dân vận trong Quân đội để đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chế độ, chính sách, pháp luật về tôn giáo và dân tộc; đẩy mạnh phong trào "Dân vận khéo," xây dựng, duy trì bền vững, hiệu quả các điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực với tinh thần “Ở đâu có bộ đội, ở đó có công tác dân vận”; tiếp tục tham gia có hiệu quả phát triển các chương trình phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh…

Nhân dịp này, 40 tập thể và 50 cá nhân điển hình, có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo giai đoạn 2013-2018 đã được nhận Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục