Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có báo cáo đánh giá về thực trạng trạm cân xe đặt trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, trong đó đề cập đến các thiết bị cân xe đã được lắp đặt tại các cửa ngõ vào tại các trạm thu phí trên đường cao tốc nhưng tỷ lệ xe tải không qua cân còn quá cao (gần như 100%) chứng tỏ công tác tổ chức điều phối xe tải qua làn bố trí cân trên tuyến đường này chưa được thực hiện nghiêm túc.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty Yên Khánh-đơn vị thu phí đã tổ chức điều phối xe tải lưu hành qua làn bố trí cân và cập nhật tự động kết quả nhưng số lượng xe tải qua cân là quá thấp.
Đơn cử, trong tháng 5/2014 chỉ cân được 23 xe/ 31.182 xe lưu thông và không có số liệu cân tải trọng trục.
“Hơn nữa, báo cáo hàng tháng của Công ty Yên Khánh mới chỉ có số liệu tải trọng cả xe qua cân, chưa có số liệu về tải trọng trục dù thiết bị cân đã lắp đặt đủ khả năng xác định tải trọng trục,” Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh cho biết.
Mặc dù, Tổng cục Đường bộ đã có Công văn yêu cầu khắc phục hiện tượng trên nhưng các đơn vị vẫn chưa triển khai thực hiện điều phối xe tải qua làn bố trí cân một cách nghiêm túc.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra tải trọng xe trên tuyến đường cao tốc Thành phốHồ Chí Minh-Trung Lương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) làm việc với Công ty Yên Khánh để lập phương án tổ chức thực hiện hiệu quả công tác điều phối xe tải qua làn bố trí thiết bị cân theo đúng quy định.
Ngoài ra, Tổng cục giao Cục Quản lý đường bộ IV phối hợp với (CIPM) và Công ty Yên Khánh chuẩn bị phương án tổ chức tiếp nhận số liệu cân xe theo hướng xử lý phương tiện vi phạm tại khu vực mặt bằng trạm dịch vụ (Km28+200) trong trường hợp cần thiết./.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương có chiều dài gần 40km, từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Tiền Giang, là một phân đoạn của tuyến đường bộ cao tốc nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước ứng trước để thi công xây dựng.
Việc khai thác tuyến cao tốc đã góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Tiền Giang chỉ còn khoảng 30 phút thay vì mất 90 phút như trước đây khi di chuyển theo Quốc lộ 1A; giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A đang quá tải và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và vùng Tây Nam Bộ nói chung.