Tuyến Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ: Kết nối thông suốt hai vùng kinh tế lớn

Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ từ 3-4 giờ xuống còn khoảng 2 giờ, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực.

Dự án Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, có tổng chiều dài gần 23km. Tổng mức đầu tư công trình hơn 4.800 tỷ đồng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Dự án Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, có tổng chiều dài gần 23km. Tổng mức đầu tư công trình hơn 4.800 tỷ đồng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Thời điểm Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 khánh thành đã cận kề (ngày 24/12), cả Đồng bằng sông Cửu Long đang mong chờ Tuyến Cao tốc Cần Thơ-Thành phố Hồ Chí Minh kết nối hai vùng kinh tế lớn của khu vực là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long được thông suốt. Điều này góp phần thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, mở ra vận hội mới cho các địa phương trong vùng; từ đó tạo động lực thúc đẩy vùng đất Chín Rồng phát triển.

Cần sức bật từ hạ tầng giao thông kết nối

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông thời gian qua vẫn là điểm mấu chốt khiến vùng đất Chín Rồng chưa thực sự phát triển như kỳ vọng dù có nhiều dư địa.

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từng nhấn mạnh muốn phát triển được Đồng bằng sông Cửu Long việc đầu tiên là cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

ttxvn-my-thuan-can-tho-3-2416.jpg
Một đoạn tuyến thuộc gói thầu số 2 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã cơ bản hoàn thành. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án Cao tốc Bắc-Nam dài 729km, triển khai bằng nguồn vốn đầu tư công. Như vậy, chỉ trong 4 năm, ngành giao thông phải hoàn thành hơn 1.000km cao tốc, tương đương số km xây dựng trong mười năm trước đây. Với việc hoàn thành con đường “xương sống” của đất nước; trong đó nhiều dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là “sức bật” cho nền kinh tế của cả vùng.

Thực tế, bức tranh giao thông Đồng bằng sông Cửu Long gần đây đã tạo ra được các điểm sáng với hệ thống đường bộ, cầu vượt sông lớn, cụm cảng và luồng, các sân bay trong vùng được đầu tư. Và trong 5-10 năm nữa, khi hạ tầng giao thông có sự thay đổi lớn thì kinh tế-xã hội của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ đó cũng được phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư từ lâu đã nghiên cứu vùng đất màu mỡ này.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho rằng giao thông kết nối của Cần Thơ đi các tỉnh còn nhiều hạn chế. Những tháng cao điểm, vận tải hàng hóa các tuyến đường luôn bị ùn tắc, nhất là vào mỗi dịp lễ, Tết, đường về miền Tây luôn kẹt cứng. Để giải quyết tình trạng này, việc kết nối thông suốt và đồng bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ cần được khơi thông.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn từ 2020-2023, có 3 cây cầu quy mô lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cầu Mỹ Thuận 2 (nối hai tỉnh Tiền Giang-Vĩnh Long), cầu Rạch Miễu 2 (Tiền Giang-Bến Tre) và cầu Đại Ngãi (Sóc Trăng-Trà Vinh) với tổng mức đầu tư hơn 18.200 tỷ đồng được đồng loạt triển khai.

ttxvn-my-thuan-can-tho-2-5169.jpg
Thi công cầu vượt tuyến chính tại gói thầu số 3 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Đây là những cây cầu nằm trên Tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, có vai trò quan trọng đối với việc đồng bộ hạ tầng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Cùng với đó, trong tương lai, khi Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau được xây dựng, các tuyến nối từ Cần Thơ vào cao tốc được mở rộng, bài toán giao thông cho khu vực sẽ được giải quyết, rút ngắn thời gian di chuyển liên vùng, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long mong chờ

Ông Trần Minh Hùng, chủ doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng hóa tuyến Cần Thơ-Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ rất nhiều người dân và doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều mong chờ ngày khánh thành Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.

Sau sự kiện đặc biệt này, Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ kết nối với Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm được nhiều khoản chi phí phát sinh do việc di chuyển được thuận lợi hơn. Nhờ vậy, hoạt động doanh nghiệp chắc chắn sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Được khởi công từ đầu năm 2021, Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ dài gần 23km, trong đó có hơn 10km đi qua Đồng Tháp, còn lại trên địa bàn Vĩnh Long. Điểm đầu dự án nằm tại phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, điểm cuối tại nút giao cầu Chà Và, kết nối Quốc lộ 1A, thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng cầu 17,5m, vận tốc 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh tuyến đường được thiết kế với vận tốc 100 km/h, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32m.

Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, đồng thời cũng là điểm nối giữa 2 tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ. Cầu có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, chiều dài gồm cả đường dẫn là 6,61km.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nhận định Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ là sự trông chờ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ cũng như người dân của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ từ 3-4 giờ xuống còn khoảng 2 giờ, tạo sự kết nối chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực.

Ngoài ra, Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ cũng giúp cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long được gắn kết với nhau, tạo thành một chuỗi phát triển kinh tế đồng đều và liên thông. Điều này cũng giúp cho việc đẩy mạnh du lịch và trao đổi văn hóa giữa các địa phương trở nên dễ dàng hơn.

Cao tốc này cũng góp phần thu hút thêm đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long; việc kết nối cả vùng với Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ giúp cho các tỉnh, thành trong vùng có thể tiếp cận và hưởng lợi từ các dịch vụ và tiện ích của thành phố lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục