Tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết sẽ khởi công vào đầu 2017

Tỉnh Đồng Nai và Ban Quản lý Dự án 1 (Bộ Giao thông Vận tải) đã họp bàn phương án giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý Dự án 1 (Bộ Giao thông Vận tải) cùng các sở, ngành, địa phương đã họp bàn phương án giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.

Ban quản lý dự án 1 đang trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt thời gian thực hiện dự án.

Theo phương án đưa ra, hợp phần 1 tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết dài 36 km (từ Giầu Giây đến huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) sẽ được khởi công vào quý 1/2017; hợp phần 2 dài 62 km (từ huyện Xuân Lộc đến thành phố Phan Thiết-Bình Thuận) sẽ được khởi công vào năm 2018.

Theo Ban Quản lý Dự án 1, dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết đã được nghiên cứu từ năm 2007 và được Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế quản lý và thực hiện từ cuối năm 2012.

Chiều dài toàn tuyến khoảng 100 km, đi qua 4 địa phương của Đồng Nai (gồm huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Khánh, Xuân Lộc) và 2 huyện của tỉnh Bình Thuận (gồm Hàm Tân và Hàm Thuận Nam).

Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án hơn 17.700 tỷ đồng, nguồn vốn hỗ trợ từ vốn vay IDA, IBRD của Ngân hàng Thế giới và vốn ngân sách.

Cũng theo Ban Quản lý Dự án 1, đến thời điểm hiện nay các phần việc như phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng, cắm cọc, đo đạc bản đồ địa chính, hồ sơ thửa đất, xây dựng đơn giá đền bù đã thực hiện xong.

Đơn vị này cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị cung cấp số liệu kế hoạch vốn cho công tác giải phóng mặt bằng năm 2016.

Chủ đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết cho biết, vướng mắc hiện nay là số liệu diện tích đất của các huyện đề nghị thông báo thu hồi đất có sai khác với diện tích kế hoạch sử dụng đất năm 2016 được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Tại cuộc họp, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu chủ đầu tư phải có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương; các trình tự, thủ tục phải đảm bảo tính pháp lý.

Ông Vĩnh cũng yêu cầu văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai rà soát các văn bản để gửi chủ đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải để hoàn tất đầy đủ các cơ sở pháp lý.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối đốc thúc các địa phương, sớm trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đúng tiến độ giao mặt bằng cho dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục