Tuyên bố chung EU-Trung Quốc chỉ được chốt vào phút chót

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết nước này sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa nền kinh tế và tăng cường quan hệ với EU, vốn ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Âu.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) bắt tay Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (Nguồn: AP)

Ngày 9/4, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết nước này sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa nền kinh tế và tăng cường quan hệ với EU, vốn ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk đánh giá các cam kết mới của Bắc Kinh tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc ở Brussels "là một bước đột phá" khi cả hai bên thống nhất cam kết đẩy mạnh toàn cầu hóa và theo đuổi các quy tắc quốc tế.

Cuộc họp thường niên, có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các quan chức hàng đầu của EU có ý nghĩa như một phép thử về mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc.

Cuộc họp năm nay diễn ra tại thời điểm nhạy cảm, một tháng sau khi Ủy ban châu Âu đánh giá Bắc Kinh là "đối thủ có hệ thống" trong một báo cáo đặc biệt với 10 điểm nhấn mạnh việc Trung Quốc không thể hiện thái độ sòng phẳng về thương mại.

Hội nghị cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều vấn đề lớn được đặt ra đối với Tập đoàn Huawei khi Mỹ muốn EU không quan hệ làm ăn với công ty này.

Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trên cở sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, hai bên đã có cuộc thảo luận căng thẳng nhưng cuối cùng đã đạt được một tuyên bố chung thực chất. Tuyên bố đưa ra các điều khoản rõ ràng cả về phương hướng và mục tiêu cụ thể đối với cả hai bên.

[Trung Quốc cam kết mở rộng quyền tiếp cận cho doanh nghiệp ngoại]

Tuyên bố chung chỉ được chốt sau các cuộc thương lượng gắt gao vào phút cuối, nhưng nó tránh được một sự phủ nhận về ngoại giao như cách đây hai năm khi Trung Quốc từ chối ký vào một tuyên bố chung do căng thẳng thương mại.

Trong tài liệu dài bảy trang nói về các vấn đề an ninh, ngoại giao và thương mại, hai bên cam kết "tiếp cận thị trường rộng rãi và thuận tiện hơn, không phân biệt đối xử."

Thực tế, EU ngày càng không hài lòng khi các thị trường ở châu Âu mở rộng cho các công ty Trung Quốc, trong khi không nhận được sự đối xử tương tự từ phía Bắc Kinh.

Phát biểu trước cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhắc lại các công ty EU ở Trung Quốc nên được hưởng các quyền giống như các công ty Trung Quốc ở EU.

Tuyên bố cũng cho biết Trung Quốc và EU sẽ nhấn mạnh vào nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bao gồm cả việc tăng cường các quy tắc chống bảo hộ Nhà nước cho ngành công nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh đây là một bước đột phá. Lần đầu tiên Trung Quốc đồng ý tham gia với EU trong việc cải cách WTO đồng thời cho biết hai bên sẽ thảo luận về tiến trình này tại Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục