'Tuy khó khăn do dịch bệnh, quan hệ Việt-Trung vẫn phát triển tốt đẹp'

Đại sứ Việt Nam Phạm Sao Mai tin tưởng trên nền tảng hợp tác hiện có, với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung nhất định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ.
'Tuy khó khăn do dịch bệnh, quan hệ Việt-Trung vẫn phát triển tốt đẹp' ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai. (Ảnh: Mạnh Cường/TTXVN)

Ngày 1/7, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Trung Quốc đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai về những thành tựu mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt được dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như quan hệ hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Trung Quốc nói riêng và quan hệ hợp tác Việt-Trung nói chung.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Thưa Đại sứ, những ngày này, cả đất nước Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đại sứ đánh giá như thế nào về những thành tựu mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc?

Đại sứ Phạm Sao Mai: Trong 100 năm qua, đặc biệt sau 40 năm cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao...

Từ một nước gặp rất nhiều khó khăn vào năm 1949, đến nay Trung Quốc đã vươn lên, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; vị thế quốc tế không ngừng được nâng cao; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 189 lần; tổng lượng thương mại đứng đầu thế giới; là đối tác thương mại lớn nhất của 130 nền kinh tế; đóng góp khoảng 30% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu; GDP bình quân đầu người tăng hơn 70 lần.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020; thực hiện thắng lợi cuộc chiến công kiên xóa nghèo toàn diện; hoàn thành đúng hạn mục tiêu “100 năm” lần thứ nhất, xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Cùng với đó, Trung Quốc đạt nhiều thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ: đưa người lên vũ trụ xây dựng trạm không gian Thiên Cung; tàu thăm dò vũ trụ đáp thành công lên bề mặt Sao Hỏa; đưa vào sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu phủ sóng toàn cầu, công nghệ đường sắt cao tốc dẫn đầu thế giới với tổng chiều dài đạt 37.900km...

Hiện Trung Quốc đã bắt tay thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và Mục tiêu tầm nhìn tới năm 2035, hướng tới mục tiêu “100 năm” lần thứ hai, xây dựng Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.

- Theo Đại sứ, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị ảnh hưởng như thế nào trong đại dịch COVID-19?

Đại sứ Phạm Sao Mai: Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến tình hình hợp tác quốc tế của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có quan hệ giao lưu giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thường xuyên thăm lẫn nhau; các cơ chế giao lưu trực tiếp kênh Đảng, giữa hai Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc (với Chính Hiệp Trung Quốc), giữa các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị xã hội hai nước diễn ra sôi động.

Trung Quốc nhiều năm liền là nguồn khách du lịch lớn nhất của Việt Nam, chiếm 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, trong khi Việt Nam là thị trường nguồn khách hàng đầu của Trung Quốc trong số các nước ASEAN; trung bình mỗi tuần có hơn 600 chuyến bay qua lại giữa hai nước.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (17/1/1950-17/1/2020) hai Đảng, hai nước dự kiến tổ chức một loạt hoạt động kỷ niệm quy mô lớn, liên quan nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân...

Dịch bệnh COVID-19 xảy đến bất ngờ đã khiến nhiều hoạt động giao lưu, tiếp xúc trực tiếp chưa thể diễn ra như kế hoạch, hợp tác du lịch, hàng không bị gián đoạn, giao lưu nhân dân bị hạn chế.

Tuy nhiên, những khó khăn trên đây chỉ là tạm thời, chủ yếu do nguyên nhân khách quan; không gian, tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất lớn.

- Xin Đại sứ cho biết những thành quả hợp tác mà hai Đảng, hai nước đạt được trong thời gian một năm rưỡi bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 vừa qua?

Đại sứ Phạm Sao Mai: Tuy chịu khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhưng với quyết tâm, thiện chí và nỗ lực chung của cả hai bên, hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước thời gian qua đã chủ động, sáng tạo, có nhiều cách làm linh hoạt, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh, quan hệ chính trị duy trì đà phát triển tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại tăng trưởng ấn tượng, hợp tác phòng chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả, thể hiện trên các mặt:

Một là, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên với hình thức linh hoạt, tin cậy chính trị được tăng cường.

Lần đầu tiên từ khi bình thường hóa quan hệ (1991), trong vòng chưa đầy nửa năm sau khi Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng, lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội hai nước lần lượt tiến hành điện đàm, đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong tình hình mới.

Giao lưu hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, địa phương hai nước nhất là giữa Ban Đối ngoại và các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Công Thương và các địa phương biên giới, diễn ra sôi động, thực chất, hiệu quả.

Hai là, hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục là điểm sáng. Năm 2020, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ); trong khi Việt Nam giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.

Theo thống kê của Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung trong năm 2020 đạt hơn 133,09 tỷ USD, tăng 13,8% so với 2019; 5 tháng đầu năm 2021 đạt 64,04 tỷ USD, tăng 44,3% so với cùng kỳ.

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đứng thứ 4/67 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký mới đạt 1,08 tỷ USD (61 dự án); tính lũy kế đứng thứ 7/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.192 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 19,63 tỷ USD.

Ba là, hợp tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đạt kết quả thực chất. Hai bên tích cực hỗ trợ nhau về thiết bị y tế, khẩu trang, bộ kit xét nghiệm COVID-19, không chỉ ở cấp Nhà nước, mà cả ở cấp địa phương, doanh nghiệp.

Mới đây, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 500.000 liều vaccine ngừa COVID-19, cam kết tiếp tục hỗ trợ vaccine cho Việt Nam trong khả năng có thể, sẵn sàng triển khai hợp tác với Việt Nam bằng nhiều hình thức linh hoạt như mua thương mại, sản xuất, đóng góp... hỗ trợ Việt Nam sớm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Bốn là, phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương được tăng cường. Trung Quốc tiếp tục cam kết ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Năm là, hai bên nhất trí cùng nhau nỗ lực, xử lý thỏa đáng các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước.

Lãnh đạo Việt Nam đề nghị Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản của Việt Nam, nhất là một số trái cây đang vào mùa vụ như vải thiểu, xoài, thanh long, nhãn...; không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất giữa hai nước và quốc tế, góp phần khắc phục tình trạng nhập siêu của Việt Nam; khẳng định tính cần thiết của việc thúc đẩy thực hiện, hoàn thành các dự án hợp tác với Trung Quốc tại Việt Nam, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư; mong muốn đưa quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí cần kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề nảy sinh, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực; tích cực thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có tiến triển, sớm đạt COC hiệu quả, thực chất.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng hai nước cần tiếp tục triển khai hiệu quả những nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được; tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao; từng bước nối lại hợp tác hàng không, du lịch, giao lưu nhân dân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch của mỗi nước; đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển đi vào chiều sâu theo hướng cân bằng, ổn định, bền vững hơn.

Tôi tin tưởng rằng trên nền tảng hợp tác hiện có, với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung nhất định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, to lớn hơn nữa trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục