Tương trợ từ vốn chính sách tạo nên sức Xuân trên miền quê Phố Hiến

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh Hưng Yên đã giảm từ 6,81% năm 2015 về 1,3% vào cuối năm 2021 đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Vietnam+)

Vượt qua con sông Hồng “đỏ nặng phù sa,” chúng tôi về Hưng Yên - mảnh đất một thời vang danh Phố Hiến. Cái lạnh còn sót lại của cuối Đông cùng những hạt mưa Xuân lất phất đang thúc giục chồi non, hoa lá bừng dậy cùng cuộc sống ấm no của người dân Hưng Yên sau bao năm tảo tần vun trồng sản xuất cùng sự tương trợ của dòng vốn tín dụng chính sách xã hội.

Gần 20 năm hoạt động, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu có tổng dư nợ 167 tỷ đồng, đến nay chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên đang triển khai thực hiện 11 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đến 31/12/2021 đạt trên 3.076 tỷ đồng, 94.621 khách hàng đang vay, tăng 2.909 tỷ đồng và gấp 18,4 lần so với khi mới thành lập. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh đã giảm từ 6,81% năm 2015 về 1,3% vào cuối năm 2021.

Hơn 640.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay với doanh số đạt 10.214 tỷ đồng, giúp trên 85.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo và duy trì việc làm cho 50.000 lao động; gần 2.500 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 52.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo gần 399.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

[Ngân hàng Chính sách Hưng Yên: Không để lỡ nhịp tốc độ giảm nghèo]

Những thành quả đó đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một trong những động lực đột phá làm lên những thành quả này mà Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng nhấn mạnh tại buổi làm việc với tỉnh ủy Hưng Yên đó là sự chung tay của cấp ủy, chính quyền điạ phương, đặc biệt sau 7 năm Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm Đặng Ngọc Quỳnh cho biết cùng với việc đề ra nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao hiệu quả triển khai tín dụng chính sách xã hội, tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành riêng một chỉ thị triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội…

Từ các chỉ đạo này, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, theo đó tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Hằng năm, địa phương cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách các cấp (tỉnh, huyện, xã) ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiêu chí năm sau cao hơn năm trước và phấn đấu đến năm 2025, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội từ ngân sách địa phương bằng mức bình quân chung toàn quốc; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tại trụ sở làm việc và các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn.

Kết quả rõ nét nhất của sự hợp lực này là nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt gần 115 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,7% tổng nguồn vốn, đưa tổng nguồn vốn tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên đến hết 2021 đạt trên 3.083 tỷ đồng, tăng gần 2.916 tỷ đồng và gấp 18,4 lần so với khi mới thành lập năm 2003. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội không ngừng được củng cố và nâng cao. Đến 31/12/2021, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,03% tổng dư nợ và không có nợ khoanh, giảm 0,09% so với thời điểm nhận bàn giao.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư tỉnh Hưng Yên đánh giá: “Hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian qua đã khắc phục các hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn không biết cách sử dụng vốn đến ý thức vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng. Mặt khác, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.”

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết thêm hiện nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (do các doanh nghiệp ít tuyển dụng lao động trên 40 tuổi; do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 người lao động từ các thành phố trở về địa phương) và chương trình cho vay nhà ở xã hội.

Ông Nghĩa đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho hoạt động của chi nhánh tỉnh Hưng Yên trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng tại buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Vietnam+)

Ghi nhận những đề xuất kiến nghị của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hưng Yên, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng khẳng định sẽ quan tâm bố trí nguồn vốn tăng trưởng giai đoạn 2022-2025, đặc biệt là vốn cho các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối ứng nguồn vốn bổ sung từ ngân sách địa phương kịp thời để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra tỷ trọng nguồn vốn từ ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn của chi nhánh Hưng Yên còn thấp, đến 31/12/2021 nguồn vốn ủy thác tại địa phương chỉ chiếm tỷ trọng 3,7% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (toàn quốc là 9,6%). Do đó, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách xã hội bình quân hàng năm tỉnh tăng thấp là do nguồn ủy thác từ ngân sách điạ phương sang còn hạn chế.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị tỉnh Hưng Yên tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng Đề án bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giai đoạn 2022-2025; phối hợp, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn với chương trình tín dụng chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục