Ngày 20/8 (tức ngày 23/7 năm Nhâm Dần), Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 905 năm ngày viên tịch của Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tại đình Yên Thái, ngõ Tạm Thương, phường Hàng Gai.
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã bày tỏ lòng thành kính, tri ân, tưởng nhớ đến công ơn của Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, người đã có công lao to lớn, mang lại cuộc sống thái bình, ấm no cho nhân dân.
Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, có ý nghĩa, không chỉ của người dân phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, mà còn là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử khu Phố cổ Hà Nội.
Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, người hương Thổ Lỗi, huyện Siêu Thoại, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Trong hơn nửa thế kỷ (năm 1063-1117) là Nguyên phi, rồi tới Hoàng hậu, nhiếp chính triều Lý, Ỷ Lan Nguyên phi đã tỏ rõ là bậc nữ lưu kiệt xuất, có tài kinh bang tế thế phò vua giúp nước. Người hai lần nhiếp chính, giúp vua đánh thắng giặc, coi trọng nông tang, thương dân nghèo khó, giữ nghiêm phép nước, trừng trị bọn lộng quyền, tham nhũng, được xưng tụng là “Lý Đại Mẫu nghi."
Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan hai lần nhiếp chính thay chồng là vua Lý Thánh Tông và thay con là Lý Nhân Tông để chống Tống bình Chiêm, góp phần cùng triều thần đặt nền móng vững chắc cho 9 đời vua nhà Lý trị vì 216 năm (từ năm 1009 đến năm 1225), xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ, đất nước hòa bình, nhân dân ấm no ở thế kỷ XI.
Với công lao to lớn đối với đất nước, bà được nhân dân tôn vinh là “Quan Nữ Âm," được suy tôn là Phù Khánh Linh Nhân và được thờ tại đình Yên Thái.
Nguyên Phi Ỷ Lan không chỉ được nhân dân và đạo Phật phong là "Như lai xuất thế, Lý triều Thiên Nam Đệ nhất," là “Phật Mẫu” mà còn được thờ và tôn làm Thành Hoàng của làng Yên Thái. Ngôi đình này xưa có tên tự là Quán Linh Từ, một ngôi đình cổ thuộc thôn An Thái, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức trước kia, nay ở số 8 ngõ Tạm Thương, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.
Thời vua Lý Thánh Tông, khu vực này ở phía Đông Đại nội. Năm 1063, nhà vua cho dựng cung Động Tiên của bà Ỷ Lan để ở, có dinh quan Thái giám liền bên để trông nom, bảo vệ.
Cũng chính tại nơi đây, bà Ỷ Lan đã sinh ra Hoàng tử Càn Đức tức vua Lý Nhân Tông. Sau này khi bà mất, chính trên nền đất cũ, nhân dân làng Yên Thái đã dựng đình thờ bà.
Đình Yên Thái được xây dựng từ rất sớm, đến ngày nay vẫn giữ nguyên bố cục của một ngôi đình nhỏ xinh xắn, kiến trúc kiểu chữ công bao gồm nhà Tiền đường, nhà Thiên hương và gian Hậu cung, mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn.
Đình Yên Thái có bề dày lịch sử, trong đó còn lưu giữ một khối lượng lớn những di vật, phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, nhiều về số lượng như bia đá, chuông đồng, kiệu gỗ, hoành phi, câu đối, đại tự, các đồ khí tự... và đặc biệt di tích còn bảo lưu được 10 đạo sắc quý. Đó là những văn bản tài liệu, hiện vật có giá trị, góp phần tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, lịch sử làng xã Việt Nam và nhân vật lịch sử Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan.
Nằm giữa trung tâm khu Phố cổ Hà Nội, đình Yên Thái từ lâu đã trở hành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng của nhân dân, là nơi giới thiệu, quảng bá và phát huy giá trị di tích kết hợp với phát triển du lịch, được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1995.
[Hậu duệ của Vua Lý Thái Tổ làm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc]
Lễ dâng hương tưởng niệm 905 năm ngày viên tịch của Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan là hoạt động nằm trong Đề án tổ chức lễ hội truyền thống trong khu Phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm của quận Hoàn Kiếm.
Thông qua đề án, quận Hoàn Kiếm muốn phục dựng lại lễ hội Phố cổ nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.
Trước đó, lễ rước theo nghi lễ truyền thống xuất phát từ đình Yên Thái đi qua các tuyến phố: Hàng Mành-Hàng Nón-Hàng Quạt-Lương Văn Can-Hàng Gai-Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục-Tượng đài vua Lý Thái Tổ-Hàng Trống-Hàng Bông và kết thúc về đình Yên Thái./.