Tương lai thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin “bật đèn xanh” cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen là sự cứu trợ cho các nước đang phát triển bên bờ vực phá sản, giúp ổn định giá lương thực toàn cầu.
Tương lai thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen ảnh 1Thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng gần Kramatosk thuộc vùng Donetsk Oblast (Ukraine), ngày 7/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “bật đèn xanh” cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, thỏa thuận lớn đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đánh giá đây là thỏa thuận cho thế giới, là sự cứu trợ cho các nước đang phát triển bên bờ vực phá sản và những người dễ tổn thương nhất trước nạn đói, đồng thời giúp ổn định giá lương thực toàn cầu vốn đã ở mức kỷ lục ngay trước cuộc xung đột.

Nga không bị cô lập, họ vẫn giữ vai trò chủ đạo

Thỏa thuận do Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Liên hợp quốc đàm phán đã tạo ra một khuôn khổ cho việc nối lại các chuyến hàng ngũ cốc rời khỏi Ukraine. Thỏa thuận quy định việc thành lập một “trung tâm kiểm soát” do các nhân viên Liên hợp quốc, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine giám sát và điều phối việc xuất khẩu ngũ cốc theo hành lang an toàn hàng hải được chỉ định.

Thỏa thuận này bao gồm xuất khẩu lương thực từ các thành phố cảng Odessa, Chernomorsk và Yuzhny của Ukraine.

Chi tiết đầy đủ của kế hoạch không được công bố ngay lập tức. Các quan chức Nga trước đó khẳng định rằng các tàu Ukraine chở ngũ cốc ra khỏi nước này phải chịu sự kiểm tra của Hải quân Nga khi trở về, do lo ngại rằng các tàu này có thể được sử dụng để chở thiết bị quân sự tới Ukraine. Theo phiên bản hoàn thiện của thỏa thuận, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm tra các tàu của Ukraine.

[Nga: Trung tâm điều phối ngũ cốc tại Istanbul bắt đầu đi vào hoạt động]

Các bên tham gia đã đạt được thỏa thuận sơ bộ vào đầu tuần trước, nhưng thỏa thuận này phải được Tổng thống Vladimir Putin đồng ý. Ông Putin đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào đầu tuần này để hoàn tất thỏa thuận và cảm ơn người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vì những nỗ lực chủ động của Ankara nhằm làm trung gian cho một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc trong nhiều tháng qua.

Trợ lý Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak nhấn mạnh rằng về mặt kỹ thuật không có thỏa thuận trực tiếp nào giữa Nga và Ukraine. Thay vào đó, cả hai quốc gia đã ký các thỏa thuận riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ.

Tuy nhiên, điều này đã đánh dấu thỏa thuận thực chất đầu tiên - ngay cả khi được ủy quyền - giữa Moskva và Kiev kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Trước đó ngày 19/7/2022, Tổng thống Putin đã đến Iran để gặp Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei và Tehran đã đưa ra tuyên bố ủng hộ hoàn toàn Nga trong vấn đề căng thẳng ở Ukraine.

Ông Khamenei cho rằng Nga và Iran đã tìm thấy lợi ích chung trong trong việc chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD với công ty dầu khí quốc gia Iran (NIOC) để giúp Iran phát triển ngành sản xuất mỏ dầu và khí đốt trên khắp đất nước.

Thỏa thuận ngũ cốc là kết quả sau cùng trong một tuần ngoại giao của Nga mà các chuyên gia cho rằng mục đích là nhằm chứng minh chiến dịch cô lập Moskva về mặt kinh tế và chính trị của phương Tây đã thất bại.

John Drennan, chuyên viên cao cấp từ Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng Nga sẽ sử dụng cuộc gặp để chứng minh rằng họ không thực sự bị cô lập, họ vẫn đóng vai trò chủ đạo ở Trung Đông.

Nhưng rủi ro thỏa thuận bị phá vỡ vẫn rất cao

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho rằng Nga dường như đã vi phạm nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Ngày 24/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - Trung tướng Igor Konashenkov - xác nhận quân đội Nga đã không kích cảng Odessa của Ukraine hôm 23/7.

Ông Blinken cho rằng hành động của Nga "làm dấy lên nghi ngờ nghiêm trọng về độ tin cậy trong các cam kết của mình" và cũng "làm suy yếu những nỗ lực của Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine."

Mặc dù vậy, báo The New York Times của Mỹ sau đó cho rằng các cuộc tấn công vào cảng Odessa không vi phạm "thỏa thuận ngũ cốc." Tờ báo viết: “Theo một quan chức cấp cao Liên hợp quốc, Nga đã không cam kết sẽ không tấn công vào khu vực của các cảng Ukraine không được sử dụng trực tiếp để xuất khẩu ngũ cốc...”

Tờ báo lưu ý rằng các bên không đàm phán về lệnh ngừng bắn trên diện rộng nên các tàu sẽ phải đi qua khu vực xảy ra cuộc xung đột. Cũng trong ngày 24/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói về các nguyên tắc chính của thỏa thuận. Ngoại trưởng Nga giải thích:

“Thỏa thuận bảo đảm rằng người Ukraine sẽ cho phép các tàu rời cảng. Còn trong quá trình di chuyển, các tàu sẽ được lực lượng hải quân Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo an ninh.”

Ông Lavrov nhấn mạnh: “Khi các tàu đi theo hướng cảng của Ukraine để nhận các lô hàng thực phẩm mới, sẽ có một cuộc kiểm tra để đảm bảo rằng trên đường đến các cảng của Ukraine, không ai mang vũ khí đến đó cả.”

Nhà ngoại giao Nga cũng chỉ ra rằng các đại diện của Nga tại cuộc hội đàm ở Istanbul đã nhất quyết đưa ra một giải pháp "trọn gói" cho vấn đề này.

Ông nói: “Cuối cùng, chúng tôi nhấn mạnh rằng cả hai vấn đề (về xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine) đều được giải quyết trọn gói. Các vấn đề liên quan đến ngũ cốc Ukraine sẽ được giải quyết thông qua việc thành lập một trung tâm điều phối ở Istanbul.”

Trong khi đó, tờ Quan điểm của Nga dẫn lời các chuyên gia nhận định sự cố ở cảng Odessa không ảnh hưởng đến việc thực thi thỏa thuận, nhưng bê bối xung quanh vụ tấn công các cơ sở quân sự của Ukraine sẽ không phải là điều duy nhất.

Rủi ro thỏa thuận bị phá vỡ vẫn rất cao. Nhà khoa học chính trị Ivan Lizan nói: “Nga không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào và không có nghĩa vụ chấm dứt chiến dịch đặc biệt. Hơn nữa, chúng tôi không hứa sẽ không tấn công vào cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine, nơi không liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc. Ngay cả báo chí phương Tây cũng trực tiếp viết về điều này. Vì vậy, cần phải xuất phát từ chi tiết chính xác của thỏa thuận. Chúng tôi không vi phạm thỏa thuận.”

Ông Lizan lưu ý rằng mỗi bên tham gia thỏa thuận sẽ theo đuổi lợi ích riêng của mình. Chuyên gia này giải thích: “Thổ Nhĩ Kỳ muốn kiểm soát quá trình trung chuyển ngũ cốc. Điều này sẽ cho phép nước này kiếm lời. Ngoài ra, điều quan trọng là họ phải duy trì tư cách của một nhà đàm phán với Nga. Vì vậy, Ankara sẽ làm mọi thứ có thể để giữ cho thỏa thuận có giá trị.”

Nhà khoa học chính trị Vladimir Kornilov cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông nói: “Nga không thể cam kết không động đến cơ sở hạ tầng quân sự của Odessa và các cảng biển. Nếu không, thành phố sẽ trở thành một trung tâm lớn nhất để tiếp nhận tất cả viện trợ quân sự mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.”

Theo ông, những lời chỉ trích đối với Moskva sẽ tiếp tục được đưa ra bất kể tình hình ở khu vực Biển Đen như thế nào. Chuyên gia Kornilov nói: “Việc Moskva sẽ làm gì không quan trọng lắm. Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ bị đổ lỗi cho tất cả mọi thứ"./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục