Vào đầu những năm 2000, Goldman Sachs dự đoán rằng 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, hay còn gọi là khối BRICS - sẽ vượt qua các nền kinh tế tiên tiến vào đầu những năm 30 của thế kỷ 21.
Khi hội nghị thượng đỉnh BRICS đầu tiên diễn ra tại Yekaterinburg (Nga) vào năm 2009, tổng quy mô kinh tế của các nước BRICS chỉ bằng 12% quy mô kinh tế của nhóm G6, gồm Mỹ, phương Tây (Đức, Anh, Pháp, Italy) và Nhật Bản.
Vào thời điểm đó, nền kinh tế Mỹ lớn gấp 2,5 lần nền kinh tế của Trung Quốc trong lúc Mỹ đối mặt với tình hình bong bóng bất động sản xẹp hơi tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái.
Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khi đó - đối mặt với “thập niên mất mát” thứ hai. Đức và Pháp vào thời điểm đó vẫn dẫn đầu châu Âu “suy yếu," nơi cuộc suy thoái toàn cầu dẫn tới một loạt cuộc khủng hoảng nợ công.
Tại Brazil, Tổng thống Lula đã thúc đẩy tăng trưởng trong khi giúp giảm bớt sự phân hóa giàu nghèo. Tại Ấn Độ, tăng trưởng đã được cải thiện. Tại Nga, Tổng thống Putin đã mở rộng quy mô nền kinh tế lên gấp 5 lần chỉ trong 1 thập kỷ, nhờ giá năng lượng gia tăng.
Tuy nhiên, các nước BRICS giờ đây đang ở đâu?
Sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, nền kinh tế của họ đã được mở rộng đáng kể, nhờ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Kể từ đầu những năm 2010, mô hình đó đã chuyển sang hướng tiêu dùng và đổi mới. Đến giữa thập niên 2020 - nếu các cuộc chiến thương mại được kiểm soát - nền kinh tế Trung Quốc có thể mở rộng hơn 17 lần, tương đương với quy mô của nền kinh tế nước này hồi năm 2000. Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt qua quy mô nền kinh tế Mỹ vào những năm 2030.
[Trung Quốc: BRICS cần đoàn kết, hợp tác để duy trì chủ nghĩa đa phương]
Mặc dù đường hướng tăng trưởng của Ấn Độ đôi lần trệch hướng, nhưng nó được Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy mạnh hơn nữa, bất luận một số dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây. Nếu mọi việc đi đúng hướng, nền kinh tế Ấn Độ có thể mở rộng gấp 10 lần vào giữa thập niên 2020.
New Delhi đang thận trọng cân bằng giữa phát triển kinh tế - điều mà Ấn Độ cần, và vấn đề địa chính trị và hiện đại hóa vũ khí - điều mà Washington mong muốn.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Lula, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil tăng trưởng nhanh hơn dự đoán trước đây cho khối BRICS.
Tuy nhiên, kể từ giữa thập niên 2010, việc luận tội Tổng thống Rousseff và đặc biệt là vụ bắt giam Tổng thống Lula, đường hướng tăng trưởng của Brazil đã lao dốc.
Đến giữa thập niên 2020, GDP của Brazil sẽ chỉ đạt mức tương đương vào cuối thời kỳ ông Lula nắm quyền (đầu thập niên 2010). Thay vì đạt được mức 1/5 GDP của Mỹ vào giữa thập niên 2020, nền kinh tế Brazil có thể sẽ chưa đạt được mức 9% GDP của Mỹ (chưa đầy một nửa so với dự đoán ban đầu). Giấc mơ của hàng chục triệu người Brazil về một tương lai tốt đẹp hơn đã tiêu tan.
Tại Nga, Tổng thống Putn đã có thể đảo ngược quỹ đạo lao dốc của nền kinh tế hồi những năm 90 của thế kỷ trước và khôi phục tăng trưởng vào những năm 2000, khi triển vọng của kinh tế Nga theo đúng dự đoán về khối BRICS.
Nếu giá dầu tiếp tục “đứng yên” và đặc biệt là các biện pháp trừng phạt vẫn nguyên hiệu lực, nền kinh tế Nga sẽ đạt mức gần bằng 1/5 nền kinh tế Mỹ vào năm 2025. Tuy nhiên, do “cuộc Chiến tranh Lạnh” mới, nền kinh tế Nga có thể sẽ không thể đạt mức 1/10 GDP của Mỹ. Nền kinh tế Nga có thể phát triển gấp 6-7 lần, nhưng không thể phát huy hết tiềm năng.
Trong lúc chiến lược xoay trục của Mỹ về châu Á đang thúc đẩy cạnh tranh thay vì hợp tác, hứa hẹn kinh tế của Thế kỷ châu Á đang bị đe dọa.
Các biện pháp thuế của Trump là yếu tố chính khiến thương mại và đầu tư thế giới sụt giảm và gia tăng các rào cản với người di cư.
Cùng lúc đó, các triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục thu hẹp theo hướng đẩy các nền kinh tế tiên tiến vào tình trạng đình trệ sớm hơn dự đoán.
Với vai trò là mũi nhọn trong số các nền kinh tế đang nổi lớn nhất thế giới, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga cùng nhau duy trì các triển vọng kinh tế toàn cầu. Và cùng với các bước đi của họ, nền kinh tế thế giới cũng tiến lên phía trước./.