Theo The Diplomat, Bloomberg, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc ban hành các quy định mới tác động mạnh đến lĩnh vực công nghệ nói chung và giáo dục nói riêng, các công ty công nghệ giáo dục (edtech) nước này đang tìm cách đa dạng hóa dịch vụ và vươn ra thị trường quốc tế.
"Cơn gió ngược"
Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc vào năm 2020, các công ty edtech Trung Quốc đối mặt với "cơn gió ngược" pháp lý vào mùa Hè năm nay. Cuối tháng Bảy, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công ty dạy thêm các môn học chính trong chương trình giáo dục phổ thông không được thu lợi nhuận và theo đuổi các thương vụ niêm yết cổ phiếu hoặc huy động vốn đầu tư nước ngoài.
Những chính sách này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp dạy thêm có trị giá thị trường lên tới 100 tỷ USD ở Trung Quốc.
Những động thái gần đây của Trung Quốc nhằm "chấn chỉnh" lĩnh vực giáo dục tư nhân không gây quá nhiều bất ngờ. Ngay từ năm 2017, Chính phủ Trung Quốc và các chính quyền các địa phương đã áp dụng những biện pháp quản lý các trung tâm dạy thêm sau giờ học với việc ban hành Chỉ đạo của Bộ Giáo dục về các dịch vụ sau giờ học cho học sinh tiểu học và trung học.
Mới đây, để giảm tải gánh nặng học tập và thi cử cho học sinh, Bộ Giáo dục yêu cầu các trường học tăng giờ học thể dục, giới hạn nội dung thi cử trong các chương trình giảng dạy và hạn chế mở các lớp học thêm ngoài giờ học trên lớp.
Ở các thành phố lớn, hơn một nửa các hộ gia đình cho biết, họ cảm thấy áp lực từ chi phí cho con cái học thêm. Liu Shu, một nhà quản lý 39 tuổi tại một công ty bảo hiểm ở Bắc Kinh, cho biết vợ chồng cô chi 200.000 đến 300.000 NDT (khoảng 31.000 đến 46.400 USD) mỗi năm cho các lớp học thêm của cậu con trai 9 tuổi. Số tiền này cao gấp hơn ba lần thu nhập khả dụng trung bình của cư dân ở thủ đô Trung Quốc.
[Trung Quốc ngăn chặn cạnh tranh không công bằng trên Internet]
Vấn đề học thêm gây áp lực lên tâm lý của trẻ em và tài chính của hộ gia đình. Điều đó cũng khiến các cặp vợ chồng không muốn sinh nhiều con, và gián tiếp tạo ra yếu tố bất lợi đối với cơ cấu nhân khẩu học của Trung Quốc.
Trước những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực giáo dục và tỷ lệ sinh có xu hướng giảm, giới chức Trung Quốc đã tăng cường giám sát toàn diện các tổ chức giáo dục đào tạo bên ngoài nhà trường. Phần lớn phụ huynh và học sinh hoan nghênh những biện pháp siết chặt quản lý đối với các công ty giáo dục tư nhân.
Một số chuyên gia nhận định rằng những thay đổi này sẽ mang lại lợi ích tổng thể, bởi ngành dạy thêm ở Trung Quốc đang bị cho là quá chú trọng đến lợi nhuận, đặc biệt là sau khi các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực này huy động số vốn đầu tư khổng lồ và chạy đua thu hút khách hàng nhằm tranh giành thị phần.
Giá cổ phiếu của nhiều công ty edtech đã sụt giảm mạnh. Nhiều công ty gặp khó khăn đến mức buộc phải cắt giảm dịch vụ và thu hẹp cả đội ngũ nhân sự lẫn giáo viên.
Trước khi các quy định mới được ban hành, công ty cung cấp giải pháp học tiếng Anh trực tuyến ALO7 có khoảng 30.000 lớp học mỗi tuần, với các giáo viên chủ yếu ở Bắc Mỹ. Kể từ khi các giáo viên ở nước ngoài bị cấm giảng dạy ở Trung Quốc, ALO7 bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nền tảng giáo dục trực tuyến VIPKids, được "người khổng lồ" công nghệ Tencent "chống lưng," trước đây cung cấp những khóa học có thời hạn 5 năm với giá 10.000 nhân dân tệ (1.500 USD). Tuy nhiên, theo quy định mới, các khóa học chỉ được kéo dài nhiều nhất là 3 tháng.
Hướng đi mới cho các công ty edtech
Do các quy định mới chỉ áp dụng cho đối tượng học sinh trong nước, các công ty như ALO7 hiện đang muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường nước ngoài. Các quốc gia châu Á như Indonesia, Campuchia, Myanmar và Nhật Bản là những điểm đến tiềm năng cho các công ty edtech của Trung Quốc đang tìm cách "giong buồm ra khơi."
CodeMao, công ty edtech đào tạo lập trình hàng đầu Trung Quốc, đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường châu Âu và châu Á trong năm 2022.
CodeMao đã thu hút thêm nhiều khách hàng thông qua các chương trình phi lợi nhuận và những cuộc thi lập trình trực tuyến. Trong một ví dụ khác, công ty cung cấp các lớp học mỹ thuật trực tuyến cho trẻ em MeiShuBao Education đã tăng số lượng nhân viên phụ trách phòng quốc tế từ 16 lên 80 người chỉ trong vài tháng, và các khóa học sắp tới trên nền tảng này sẽ được thiết kế hoàn toàn dành cho học viên nước ngoài.
Tuy nhiên, những thách thức khi mở rộng sang thị trường nước ngoài không hề nhỏ, đặc biệt là với lĩnh vực edtech. "Bản địa hóa" các sản phẩm edtech không chỉ là việc dịch toàn bộ nội dung của ứng dụng sang tiếng địa phương, mà các ứng dụng này phải tương thích với luật pháp, thiết bị, nền tảng thanh toán và các giá trị văn hóa của các nước đó.
Về phía thị trường trong nước, các công ty edtech Trung Quốc cũng nhận thấy những cơ hội tiềm tàng từ các môn phụ. Môn học nghệ thuật, thể thao và chuyên về thực hành như công nghệ thông tin và truyền thông không phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt mà chính phủ ban hành.
Ngoài ra, các khóa học như viết mã cơ bản trong ngôn ngữ lập trình máy tính, luyện thư pháp, đánh cờ, cũng rất thu hút người học là trẻ em.
Đối với một số công ty edtech, họ nhận ra "cánh cửa để ngỏ" cho sự hợp tác với các trường công lập. Khi giới chức Trung Quốc yêu cầu các trường học phải có thêm nhiều hoạt động hiệu quả sau giờ học để lấp đầy "khoảng trống" mà các công ty dạy thêm để lại, các trường công lập sẽ có nhu cầu phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và thiết kế các chương trình giảng dạy mới mẻ và sáng tạo… Đây là thị trường lớn, chưa được khai thác và giàu tiềm năng.
Bất chấp các quy định nghiêm ngặt đã gây thiệt hại cho nhiều công ty edtech trên thị trường, một số lượng lớn các công ty đã nhìn thấy những cơ hội phát triển và thích nghi với tình hình mới, bằng cách định hướng lại chiến lược thu hút khách hàng đồng thời cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giáo dục thiết thực và hấp dẫn hơn./.