Trang Quỹ nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) vừa đăng bài viết của nhà nghiên cứu Katarzyna Biernat-Uziel với tựa đề “Tương lai của BRICS trong một trật tự thế giới đang thay đổi” với một số nội dung đáng chú ý như sau:
Một nhà ngoại giao của một trong các nước thành viên BRICS năm 2012 từng mô tả khối này là “Một diễn đàn hội tụ, không phải một diễn đàn đàm phán." Tuy nhiên, trước những chuyển dịch kinh tế và tài chính năng động, sự xuất hiện của đại dịch trên toàn cầu và những gián đoạn kinh tế, xã hội, chính trị cũng như sự cạnh tranh quyền lực giữa các quốc gia, câu hỏi đặt ra là liệu có còn chỗ cho sự liên kết lợi ích trong BRICS?
Vị thế thống trị của Trung Quốc
Vào đầu những năm 2000, khi BRICS vẫn chỉ là “BRIC” - một thuật ngữ được phát triển để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng kinh tế của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, thế giới đã theo dõi xem nhóm mới này tự hội nhập tốt như thế nào.
Một số thậm chí còn gợi ý rằng BRIC sẽ mâu thuẫn với trật tự thế giới đã được thiết lập trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, BRIC và sau đó là BRICS kể từ năm 2011, dường như thích hoạt động theo các quy tắc đã được thiết lập và với các thực thể và tổ chức chứng kiến nhóm này xuất hiện.
BRICS, với tư cách là một nhóm, vẫn là một cam kết ấn tượng bất kể khía cạnh nào được đưa ra xem xét. Khi nói đến mỗi quốc gia cấu thành khối này, sự phát triển kinh tế xã hội và tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng trên trường kinh tế toàn cầu và quốc tế là rất lớn.
Tuy nhiên, về mặt kinh tế, dường như chỉ có Trung Quốc hoạt động theo di sản “tăng trưởng nhanh liên tục”: nền kinh tế trải qua một quá trình chuyển đổi đáng kể, giảm sự phụ thuộc vào ngành nông nghiệp, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng liên tục và thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những cú sốc kinh tế gần đây nhất do đại dịch COVID-19 gây ra và những bất ổn của thị trường bất động sản Trung Quốc, nền kinh tế nước này đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc. Hầu hết các nhà kinh tế đều chú ý đến dân số già, tỷ lệ đổi mới thấp và sự can thiệp điều tiết thị trường của chính phủ.
Mặt khác, cần phải ghi nhận sự gia tăng của một thành viên khác trong nhóm. Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi tỷ lệ GDP/đầu người. Từ năm 2015, chỉ số FDI của nước này bắt đầu hội tụ với Brazil, sau đó vượt qua Brazil. Chỉ riêng năm 2020, chỉ số này đã tăng hơn gấp đôi, đưa Ấn Độ lên vị trí thứ hai trong nhóm.
Nhìn chung, tình hình chính trị trong BRICS có thể được đánh giá là ổn định. Từ năm 2006, các thành viên bắt đầu đối thoại trực tiếp, gần gũi hơn. Do đó, sẽ là thiếu sót nếu coi BRICS chỉ đơn thuần là các thuật ngữ kinh tế. Chỉ cần nhìn sơ qua chương trình họp của các nhóm công tác cũng có thể thấy sự hợp tác sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như hợp tác chính trị và an ninh, thương mại, tài chính và tiền tệ, nông nghiệp, y tế công cộng, khoa học và giáo dục và giao lưu nhân dân.
Chương trình làm việc của BRICS cũng phát triển và mở rộng theo nhu cầu của các đối tác, cũng như hoàn cảnh bên ngoài, cho thấy sở thích chồng chéo của các thành viên cho đến nay. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi sự cân bằng mong manh của “thời kỳ hòa bình” hoặc “công việc kinh doanh như bình thường” đối với khối dường như đã kết thúc.
[BRICS thảo luận nhiều vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu]
Một số nhà phân tích cho rằng BRICS ra đời là do có chung tầm nhìn về một trật tự toàn cầu mới. Trật tự mới này được cho là dựa trên niềm tin rằng không một quốc gia đơn lẻ nào cũng như bất kỳ liên minh hay nhóm quốc gia nào được phép chiếm vị trí thống trị trong các vấn đề quốc tế.
Điều này rõ ràng không còn đúng nữa trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc và vị thế cao của nước này trong nhóm, cả về sức nặng chính trị và kinh tế cũng như tư thế thách thức của nước này đối với Mỹ và phương Tây nói chung.
Quan điểm của phương Tây đối với BRICS
Như đã nói ở phần đầu, phương Tây rất nhiệt tình chào đón sự hình thành của BRICS. Tuy nhiên theo thời gian, ngay cả những tác nhân lớn nhất ở phương Tây, Mỹ và châu Âu cũng trở nên chán nản khi những thành tựu của nhóm chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế, nhấn mạnh sự khác biệt và bỏ qua việc nhận ra các lĩnh vực tiềm năng khác.
Nhưng quan trọng nhất, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), cho đến nay vẫn chưa hiểu được bản chất của BRICS với tư cách là một “câu lạc bộ” của các quốc gia tập trung vào việc thúc đẩy lợi ích chung, thay vì là một cơ chế hợp tác được thể chế hóa cao nhằm đồng nhất hóa quan điểm của các thành viên.
Do thực tế đã thay đổi đáng kể, Mỹ cũng đã đẩy mạnh cấu trúc liên minh chính trị và kinh tế riêng (thường có nhiều thành viên trùng lặp). Trong số những sự kiện quan trọng nhất có AUKUS (thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Australia, Vương quốc Anh, và Mỹ), Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) được hồi sinh - một nhóm chiến lược với Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật Bản là các quốc gia thành viên, Đối thoại cấp Bộ trưởng 2+2 Ấn Độ-Mỹ hoặc Nhóm I2U2 - một nhóm gồm Ấn Độ, Israel, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Mỹ. Trong số các thành viên của BRICS, Ấn Độ dường như đang thu được nhiều lợi ích nhất từ các nhóm quốc tế này.
Mặt khác, EU lại thất bại trong việc phát triển bất kỳ cách tiếp cận nào đối với các nhóm và khuôn khổ quyền lực khu vực và đa phương mới nổi, ngoài việc cố thủ trong các cơ chế hợp tác song phương với từng thành viên.
Trong ngắn hạn, BRICS có thể đóng vai trò là “cầu nối." Đối với Nga, BRICS là cầu nối để giảm bớt sự cô lập của nước này trên chính trường thế giới trong và sau cuộc xung đột với Ukraine, đồng thời giữ cho các kênh liên lạc và thương mại của nước này luôn mở.
Ngoài ra, BRICS cũng có thể hỗ trợ Trung Quốc đánh giá lại mối quan hệ với Nga và nói chung hơn, trong việc khám phá ra cách để che giấu tham vọng cường quốc toàn cầu.
Về lâu dài, BRICS là một diễn đàn đối thoại mang tính xây dựng và là động lực thúc đẩy sự thay đổi đa cực trong tình hình chính trị thế giới, mang lại tầm nhìn rõ ràng hơn cho viễn cảnh của Nam Bán cầu.
Ngoài ra, từ quan điểm tương lai của BRICS, cần chú ý đến vị trí của Ấn Độ và liệu phương Tây có thể đáp ứng nhu cầu phát triển và an ninh để có thể cân nhắc chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong nhóm hay không?
Khi theo đuổi chính sách độc lập, cho đến nay, họ đã cố gắng duy trì mối quan hệ với nhiều đối tác, bao gồm phương Tây, Nga và Trung Quốc, và để ngỏ các lựa chọn của mình./.